Cao Bằng: Nhiều giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình 135
Từ nguồn đầu tư của Chương trình 135, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng, góp phần cải thiện điều kiện đi lại, sinh sống, chăm sóc sức khỏe và học tập của con em đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Từ đó, đã góp phần hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi của tỉnh.
Giai đoạn từ năm 2016-2019, tại tỉnh Cao Bằng, Chương trình 135 đã triển khai trên địa bàn 185 xã, thị trấn (bao gồm 159 xã đặc biệt khó khăn, 98 xóm thuộc 26 xã khu vực II); số xã, thị trấn trong diện đầu tư của Chương trình 135 chiếm 93% đơn vị cấp xã của tỉnh. Tổng nguồn kinh phí triển khai Chương trình 135 trong giai đoạn này là 971.370 triệu đồng. Trong đó: đầu tư cơ sở hạ tầng là 731.451 triệu đồng; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là 159.700 triệu đồng; duy tu, bảo dưỡng là 35.501 triệu đồng; xây dựng mô hình là 18.697 triệu đồng; dự án đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng là 25.320 triệu đồng; quản lý chương trình là 700 triệu đồng.
Kết quả, đã đầu tư 901 lượt công trình cơ sở hạ tầng nông thôn; thực hiện duy tu, bảo dưỡng được 100 công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, gồm: hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ giống gia súc, gia cầm và xây dựng chuồng trại, lò sấy; mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà công nghiệp, chăn nuôi lợn đen, kỹ thuật tiêm, phòng, chống đói rét cho trâu, bò; hỗ trợ phân bón các loại, với trên 34.500 hộ nghèo, cận nghèo hưởng lợi. Mở được 135 lớp, 05 cuộc tham quan, học tập với 13.082 lượt công chức, đoàn thể, nhóm cộng đồng, người có uy tín, hộ nghèo các xã, thị trấn được tập huấn nâng cao năng lực.
Các kết quả trên đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc hết sức tích cực của các sở ban ngành. Triển khai các văn bản hướng dẫn, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mực phân bổ vốn trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương của tỉnh thực hiện Chương trình 135 để làm căn cứ giao vốn đầu tư hàng năm cho các huyện, xã và các cơ quan liên quan thực hiện. Tỉnh đã thành lập các Ban Chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản để quyết liệt chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 trên địa bàn.
Được ghi nhận là chương trình có độ bao phủ lớn, Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang phát huy hiệu quả, hợp lòng dân; đã tạo được sự thay đổi căn bản về mọi mặt cho các địa phương, nhất là địa bàn vùng đặc biệt khó khăn. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng hứng khởi, tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân trên 4% mỗi năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.
Để triển khai hiệu quả hơn Chương trình 135 trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng đề xuất một số nhóm giải pháp như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong thực hiện Chương trình; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tự làm”, “xã có công trình, dân có việc làm, tăng thêm thu nhập”. Từ đó, phát huy mạnh mẽ nội lực của người dân, khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng. Phát động phong trào thi đia “chung tay vì người nghèo”; tôn vinh các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp. Tăng cường huy động tối đa, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để thực hiện Chương trình. Phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân. Áp dụng mạnh mẽ, triệt để cơ chế đặc thù rút gọn đối với một số dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, còn lại do nhân dân đóng góp, triển khai có sự tham gia giám sát của người dân. Đảm bảo thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; coi trọng công tác thanh kiểm tra, đảm bảo sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, không thất thoát…