Câu chuyện về “chiếc cần câu” trong giảm nghèo bền vững

Lâu nay, khi bàn về công tác giảm nghèo bền vững chúng ta vẫn thường sử dụng hình ảnh ví von xoay quanh câu chuyện “cho con cá” hay “cấp cần câu”. Tuy nhiên, với cách tiếp cận đa chiều như hiện nay cùng nhiều kinh nghiệm thực tiễn được đúc rút từ Trung ương tới địa phương khiến biên độ tranh luận về vấn đề này mở rộng hơn rất nhiều và phương án “cấp cần câu” đã chứng tỏ được sự ưu việt, cần thiết.

Câu chuyện về “chiếc cần câu” trong giảm nghèo bền vững
Bò giống của gia đình ông bà Hoành.

Nhìn từ một “sự cố”

Đầu năm 2019, về vùng quê nghèo Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đâu đâu cũng thấy người dân ngồi lại với nhau, xôn xao bàn tán về việc UBND xã thực hiện dự án hỗ trợ bò sinh sản, phục vụ chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế cho một số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong xã, tuy nhiên bò giống cấp cho các hộ dân lại kém chất lượng. Được biết, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 tại xã Hoằng Phụ được triển khai thực hiện theo Quyết định số 7669/QĐ-UBND ngày 26-11-2018 của UBND huyện Hoằng Hóa với hình thức hỗ trợ là UBND xã Hoằng Phụ phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân cung ứng dịch vụ lựa chọn, cấp hỗ trợ trực tiếp con giống trên cơ sở có sự thống nhất của 24 hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện tham gia dự án.

Một thời gian sau khi sự việc diễn ra, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này. Ông Bình cho biết: Nguồn cơn xuất phát từ trường hợp bò giống của một số hộ sau khi được giao nhận tập trung từ UBND xã về nhà chăn nuôi thì bị ốm, sốt do thay đổi môi trường sống, cách chăm sóc. Thấy vậy, thương lái vào hỏi mua, “ngã giá” con bò 4-5 triệu đồng. Từ đó, một số người suy luận ra rằng bò được dự án cấp chỉ đáng giá 4-5 triệu đồng trong khi trên thực tế Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/con.

“Tại sao UBND xã không tổ chức hỗ trợ theo hình thức tiền mặt để người dân chủ động đối ứng và tìm mua con giống trên cơ sở định hướng, giám sát chặt chẽ của xã ở tất cả các khâu?” – chúng tôi hỏi ông Bình.

Ông Bình giải thích: Ngay khi có chủ trương từ UBND huyện Hoằng Hóa, xã đã tổ chức họp lấy ý kiến dân chủ của các hộ được trực tiếp thụ hưởng dự án. Khi ấy, 100% các hộ thống nhất để UBND xã mua giống tập trung vì các hộ hầu hết chưa có nhiều kinh nghiệm chọn giống bò nên không biết mua ở đâu, chất lượng tốt – xấu như thế nào. Hơn nữa, nếu để các hộ tự mua thì hầu hết thủ tục mua – bán, tiêm phòng dịch bệnh chỉ thực hiện theo hình thức giấy viết tay, không có hóa đơn đỏ, không có hợp đồng gây khó khăn cho việc quản lý, thanh quyết toán kinh phí dự án giữa xã với huyện, huyện với sở.

Trước khi tiến hành tổ chức bắt thăm và bàn giao cho các hộ, bò đã được kiểm tra lý lịch, tiêm phòng bệnh dịch, đóng số cẩn thận. Ông Bình phân trần: Đã là bắt thăm thì sẽ có người bắt được con nhỏ hơn, người bắt được con to hơn. Hơn nữa, người dân nhận định bò nhỏ, bò to theo cảm quan bằng mắt thường nhưng thực tế, bò cấp cho các hộ đều đảm bảo chất lượng. Bằng chứng là đến nay, bò giống của các hộ tham gia dự án vẫn sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Trong các cuộc đối thoại với UBND xã, người dân vẫn thể hiện sự tin tưởng vào chất lượng bò giống được hỗ trợ, không ngừng nỗ lực cố gắng thực hiện dự án, mong về tương lai thoát nghèo không còn xa. Tuy nhiên, ông Bình cũng thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót, khuyết điểm còn tồn tại trong cách thức tổ chức, triển khai thực hiện dự án của UBND xã Hoằng Phụ; đặc biệt là những hạn chế trong hình thức UBND xã đứng ra mua tập trung và tổ chức cho người dân bắt thăm con giống.

“Trao cần” – “Trao quyền”

Nằm ở phía Bắc của huyện Hậu Lộc, thuộc hữu ngạn sông Lèn; địa giới hành chính chia thành 5 thôn: Phù Lạc, Cầu, Chùa, Lộc Động và thôn Ngoài, xã Phong Lộc được ví như “rốn lũ” của vùng. Từ xưa đến nay, Phong Lộc luôn là xã nghèo nhất huyện Hậu Lộc, đời sống nhân dân còn không ít khó khăn. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 năm triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển mô hình nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo”, xã Phong Lộc bước đầu gặt hái được kết quả khả quan, diện mạo kinh tế - xã hội đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Với 4.116 nhân khẩu, 945 hộ, cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã Phong Lộc vẫn ở mức 8,08%. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống chỉ còn 4,34%. Bước sang năm 2019, xã Phong Lộc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức 3,28% (theo mục tiêu, kế hoạch huyện giao). Được biết, dự án áp dụng cho 13 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo thuộc 4 thôn trên địa bàn xã có khả năng và tự nguyện tham gia dự án với cơ chế hỗ trợ kinh phí (tiền mặt) mua bò sinh sản với mức 10 triệu đồng/1 hộ nghèo, 8 triệu đồng/1 hộ cận nghèo. Đối với các hộ có nhu cầu mua con giống cao hơn so với mức phí hỗ trợ thì có thể chủ động tham gia đối ứng. Ngoài ra, các hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn chăm sóc, phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi. Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án là 449 triệu đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 302 triệu đồng, vốn đối ứng của các hộ tham gia dự án là 147 triệu đồng.

Gia đình ông Lê Văn Hoành (thôn Phù Lạc, xã Phong Lộc) vốn được nhận định là “hộ nghèo bền vững” của xã. Bởi lẽ, hai thân già ngót nghét 60 tuổi vẫn phải cố sức nương tựa vào nhau nuôi 3 đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi lớn. Tuy nhiên, ngay khi nhận được thông tin của xã về việc tham gia mô hình nuôi bò sinh sản, ông bà chấp nhận đối ứng thêm 7 triệu đồng, quyết tâm mua con bò cái sinh sản “ra tấm ra món” cho bõ công chăm sóc, khấp khởi hy vọng thoát nghèo. Ông Hoành hồ hởi khoe với chúng tôi: “Khi gia đình tôi mua con bò giống này nó đang mang thai 5 tháng. Hai ông bà kỳ công chăm bẵm lại sẵn có kinh nghiệm từ trước nên bò lớn nhanh, không ốm đau bệnh tật gì. Sau 4 tháng kể từ ngày mua về, gia đình tôi đã đón ngay một con me đực ra đời. Hiện tại, bò giống đang sinh trưởng, phát triển tốt, cho phối giống lần thứ hai và đã mang thai được 4 tháng. Dự kiến cuối năm sẽ đẻ. Gia đình tôi mừng lắm”. Ngồi kế bên chồng, vợ ông Hoành không giấu nổi niềm vui xen lẫn sự xúc động: “Nếu không có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương thì gia đình tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc thoát nghèo. Tuy lúc đầu bắt tay vào thực hiện cũng có đôi chút vất vả nhưng niềm vui nhiều hơn vì bây giờ mình có công việc để làm và có thể kiếm thêm thu nhập từ công sức mình bỏ ra”.

Nói về thành công bước đầu của dự án, ông Hoàng Quốc Hà, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hậu Lộc nhận định: Điểm sáng tạo nhất trong cách thức tổ chức thực hiện dự án của UBND xã Phong Lộc là đã biết vận dụng kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong việc định hướng cho người dân mua con giống trong vùng miền phù hợp với môi trường sống, điều kiện khí hậu, kỹ thuật chăn nuôi nhằm giúp người dân không bị bỡ ngỡ khi “nhập cuộc”, hạn chế tình trạng vật nuôi “ngã bệnh” do không hợp nước, nguồn thức ăn. Quan trọng nhất, trong suốt quá trình triển khai dự án, người được thụ hưởng luôn ở thế chủ động, có quyền lựa chọn mua con vật nuôi theo ý thích và điều kiện đối ứng của bản thân. Sự chủ động này có ý nghĩa đặc biệt bởi vô hình chung, nó vừa tạo nên tâm lý thoải mái cho người tham gia vừa buộc họ phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ đối với con bò giống mà mình đã đóng góp vốn mua về. Theo ông Hà, hiệu quả của Dự án “Hỗ trợ phát triển mô hình nuôi bò sinh sản cho người nghèo” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở xã Phong Lộc không chỉ góp phần phát triển chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo của xã theo hướng sản xuất an toàn, tăng năng suất và giá trị sản phẩm; cải thiện đời sống nhân dân; tạo cho người nghèo, cận nghèo niềm tin, ý chí thoát nghèo, góp phần từng bước phát triển kinh tế địa phương mà hơn tất thảy, nó cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững rất đáng lưu tâm, học hỏi.

Lâu nay, khi bàn về công tác giảm nghèo bền vững chúng ta vẫn thường sử dụng hình ảnh ví von xoay quanh câu chuyện “cho con cá” hay “cấp cần câu”. Tuy nhiên, với cách tiếp cận đa chiều như hiện nay cùng nhiều kinh nghiệm thực tiễn được đúc rút từ Trung ương tới địa phương khiến biên độ tranh luận về vấn đề này mở rộng hơn rất nhiều và phương án “cấp cần câu” đã chứng tỏ được sự ưu việt, cần thiết. Tuy nhiên, việc “cấp cần câu” như thế nào để nó có thể phát huy tối đa hiệu quả, ý nghĩa nhân văn tốt đẹp đối với cuộc sống của người nghèo vẫn khiến nhiều địa phương tỏ ra lúng túng, dẫn đến xảy ra “sự cố” không đáng có. Mặc dù được đánh giá thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước song câu chuyện về “chiếc cần câu” trong giảm nghèo bền vững ở tỉnh Thanh Hóa cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này, các chính sách về hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững cần tiếp tục được tích hợp theo hướng bỏ các chính sách cho không, chỉ duy trì các chính sách hỗ trợ cho không đối với các lĩnh vực, đối tượng đặc thù. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét bổ sung một số chính sách hỗ trợ cho các hộ mới thoát nghèo có điều kiện như: Kéo dài thời gian cho vay, thêm định mức cho vay để mở rộng phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững; tăng mức vay và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất, chăn nuôi dài hơi (nuôi tôm, nuôi trâu, bò, trồng rừng...).

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành