Cầu Kè - Trà Vinh: Người Khmer thoát nghèo từ trồng dừa sáp

Dừa sáp là giống dừa đặc ruột, cơm dày và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại trong veo như sương sa, là đặc sản được khách du lịch và người tiêu dùng tìm mua mỗi khi đến tỉnh Trà Vinh. Nắm bắt lợi thế này, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Trà Vinh với sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo bền vững PRPP(Bộ LĐ-TBXH) và UBND huyện Cầu Kè chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn.

Bà Thạch Thị Thơm (89 tuổi) ấp Chông Nô 1, xã Hòa Tân (Cầu Kè) cho biết: Giống dừa sáp được trồng ở địa phương cách đây gần một thế kỷ, dừa có phần cơm rất dày, mềm và dẻo do nước dừa sánh lại, rất thơm béo. Đây là giống dừa do các sư sãi đem giống từ Nam Vang (Campuchia) về trồng. Sau đó thấy ăn ngon và lạ nên nhiều người dân địa phương xin giống về vườn nhà trồng, giống dừa này được trồng nhiều trong các phum, sóc của đồng bào dân tộc Khmer. Bây giờ về các xã Hòa Tân, Hòa Ân, thị trấn Cầu Kè việc trồng, chăm sóc, giữ vườn dừa sáp trở thành câu chuyện thường ngày trong các buổi tiệc, lúc uống trà hàn huyên.

Những năm gần đây việc trồng và nhân rộng giống dừa sáp đã giúp nhiều hộ dân Khmer cuộc sống trở nên khấm khá. Dừa sáp ở Cầu Kè giờ đây còn có tên là cây “triệu phú” bởi một trái dừa thường bán khoảng 5.000 – 7.000 đồng/trái nhưng dừa sáp bán được từ 130.000 đồng – 200.000 đồng/trái, cao gấp hàng chục lần so với các giống dừa thường. Nắm bắt hiệu quả kinh tế từ giống dừa sáp, Sở Khoa học – Công nghệ Trà Vinh đã phối hợp với Trung tâm thực nghiệm Ðồng Gò (Bến Tre) nghiên cứu và thử nghiệm thành công phương pháp thụ phấn trợ lực cho cây dừa sáp, làm tăng tỷ lệ sáp trên buồng dừa. Sau đó, còn đơn vị này còn hỗ trợ nông dân trồng 950 cây dừa sáp đầu dòng. Các hộ tham gia đã được cung cấp cây giống và chuyển giao kỹ thuật trồng.

Trước những thành công của giống dừa sáp lai, UBND tỉnh Trà Vinh đã có một nghị quyết về phát triển vùng trồng dừa sáp đặc hữu, trong đó chọn huyện Cầu Kè làm điểm xây dựng dự án trồng chuyên canh 50 ha dừa sáp (9.000 cây) tại xã Hòa Tân, chuyển giao cho 78 hộ nông dân người Khmer tham gia dự án, được hỗ trợ 60% tiền cây giống và hướng dẫn khoa học kỹ thuật.

Hiện nay, toàn huyện Cầu Kè có hơn 22.000 cây dừa sáp, trong đó xã Hòa Tân có gần 17.000 cây, với 110 ha, trong đó có khoảng 30% đã cho trái. Với hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tỷ lệ dừa cho trái sáp từ năm thứ 7 trở đi sẽ cho tỉ lệ sáp đạt từ 30 – 40%, mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 4 – 5 triệu đồng. Dừa sáp có trái quanh năm nên đời sống của người trồng dừa sẽ ổn định. Cứ mỗi độ từ lễ hội Oóc Oom Bóc cho đến Tết, dừa sáp cung ứng không đủ nhu cầu của khách hành hương về Cầu Kè.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân cho biết: Hòa Tân là xã nghèo của huyện Cầu Kè, có 50% dân số là đồng bào Khmer, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là độc canh cây lúa, nếu như năm 2011 tỉ lệ hộ nghèo là 23,3%, thì nay còn gần 18%. “Chuyển dịch từ vườn dừa thường sang trồng dừa sáp là bước đi đúng đắn, được bà con nông dân Khmer đồng thuận bởi giá trị kinh tế cao”, ông Dũng cho biết.

Ông Thạch Phu My – Chủ nhiệm HTX dừa sáp Hòa Tân cho hay: Lúc đầu trồng dừa sáp cũng chưa ai biết hiệu qủa sẽ ra sao. Chỉ được biết là muốn trồng thành công phải hình thành cả một vùng chuyên canh lớn. “Nhờ có giống dừa đặc biệt này mà đồng bào Khmer ở Hòa Tân mấy năm nay kinh tế rất khấm khá. Giá dừa sáp luôn ở mức ổn định và ở mức cao nên thu nhập từ dừa sáp cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Trồng dừa sáp mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, ước tính 1 ha cho thu hoạch từ 80 – 100 triệu đồng/năm”, ông My khẳng định.

Anh Thạch Em ấp Chông Nô 2 là một hộ Khmer khá thành công trong việc trồng và chăm sóc dừa sáp, cho biết kinh nghiệm: Để vườn dừa đạt hiệu qủa cao, cần phải trồng xen canh dừa sáp với chanh không hạt theo phương thức lấy ngắn nuôi dài. Tôi có 5 công vườn, trồng được 121 gốc dừa sáp xen canh với chanh không hạt. Sau 2 năm, chanh không hạt có trái và đến năm thứ ba, khoảng 50 gốc dừa bắt đầu có trái. So với làm lúa thì cải tạo thành vườn dừa sáp hiệu quả cao gấp 3 lần. Những hộ nông dân khác thì trồng xen canh dừa sáp với bưởi cũng cho hiệu quả, anh Thạch Em chia sẻ. Chị Thạch Thi Suôi, ấp Chông Nô 2 cho biết: Tôi tham gia HTX được hướng dẫn kỹ thuật trồng dừa theo tiêu chuẩn VietGap. Ở ấp, nhiều nông dân nhờ trồng vài chục gốc dừa cho trái sáp, cuộc sống được cải thiện khấm khá hẳn lên, tính ra mỗi cây dừa cũng cho 30 trái dừa sáp/năm, vài chục gốc dừa cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Hiện nay trái dừa sáp ở Trà Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu xuất sứ hàng hóa cùng 3 loại trái cây đặc sản khác là: măng cụt của HTX Tân Thành; xoài Châu Nghệ của HTX xoài Châu Nghệ và quýt đường của HTX Thuận Phú... Đó đều là những loại cây trồng giúp bà con Trà Vinh giảm nghèo bền vững.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành