Chăm lo đời sống đồng bào huyện Phú Lương
Phú Lương là huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh, với gần 44% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), gồm: Tày, Nùng, Sán Chí, Cao Lan, Sán Dìu, Dao, Mông. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là triển khai hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn.
Với mục tiêu góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Người DTTS trên địa bàn huyện sinh sống tại những thôn, bản thuộc vùng sâu, vùng xa nên điều kiện sinh hoạt, giao thương hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, huyện Phú Lương đã tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, huyện đã đầu tư gần 30 tỷ đồng (từ nguồn vốn Chương trình 135) để xây dựng 49 công trình; dành 1,3 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng 8 công trình; xây dựng 6 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung... Đến nay, các công trình đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Nội, Trưởng xóm Phú Thọ, xã Phú Đô cho biết: Xóm Phú Thọ có tới gần 80% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Với địa hình nhiều đồi núi nên việc giao thương hàng hóa những năm trước đây của bà con gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước nên 600m (trong tổng số hơn 1km) đường trục xóm với kinh phí trên 600 triệu đồng (từ nguồn vốn 135) đã được đổ bê tông sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại và giao thương hàng hóa. Hiện nay, giá bán các sản phẩm nông nghiệp như chè, lúa... của bà con trong xóm cũng tăng từ 15-20 nghìn đồng/kg so với trước.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Phú Lương còn tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào DTTS vay vốn phát triển kinh tế. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã có hơn 10.000 lượt người nghèo được vay vốn ưu đãi, tạo việc làm với tổng số tiền quay vòng trên 217 tỷ đồng; 522 người nghèo được hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn quả, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững điển hình như các hộ gia đình: Nguyễn Thanh Chinh, dân tộc Tày ở xã Yên Trạch; La Thị Bình, dân tộc Cao Lan xã Phấn Mễ; Nông Thị Sao, dân tộc Tày xã Phấn Mễ..., góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 19,61% năm 2010 xuống còn 12,18% năm 2014.
Cùng với tạo điều kiện để đòng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cũng được huyện Phú Lương triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động “Vì người nghèo”... Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đến nay, 100% cơ quan, xóm bản, khu phố trên địa bàn huyện đêu có nội quy, quy ước, hương ước. Các công trình, dự án, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng. Toàn huyện có 5/16 xã, thị trấn có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn; 263/274 xóm có nhà văn hóa (chiếm gần 96%); 100% các hộ dân đều có phương tiện nghe nhìn, nhiều hộ đồng bào DTTS đã có kết nối internet; hàng năm có trên 75% gia đình đạt Gia đình văn hóa. Các hủ tục không còn, các nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc như: Múa Khèn, Lễ Cầu mùa; hát Then, Múa Tắc xình...
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, những năm tới, huyện Phú Lương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân về các phong trào thi đua yêu nước, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các tấm gương điển hình tiêu biểu của đồng bào các dân tộc nhằm tạo ra phong trào thi đua sôi nổi; tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo hướng bền vững bằng cách đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, góp phần, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.