Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đói nghèo như một thứ giặc, bên cạnh giặc dốt, giặc ngoại xâm. Có thể nói, Tư tưởng của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào xóa đói, giảm nghèo đã phát triển mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố. Khởi đầu từ các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Tĩnh... sau đó lan rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 1998, thông qua khảo sát, nghiên cứu, và tổng kết thực tiễn, Chính phủ đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn mười năm qua, hưởng ứng Cuộc vận động vì người nghèo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước đã ủng hộ Quỹ Vì người nghèo các cấp hơn ba nghìn tỷ đồng, hàng chục triệu ngày công để xây dựng và sửa chữa gần 900 nghìn căn nhà đại đoàn kết; tổ chức hướng dẫn người nghèo cách làm ăn; chăm sóc sức khỏe và trợ giúp trẻ em nghèo đến trường, giúp người nghèo cải thiện đời sống. Gần sáu nghìn xã, phường, hơn 300 huyện và 17 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà dột nát cho hộ nghèo.
Ðặc biệt, Chương trình quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt... Nhiều phong trào, cuộc vận động giúp đỡ người nghèo do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội phát động, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Hàng trăm nghìn hộ gia đình nghèo được giúp đỡ đã vượt qua khó khăn. Nhiều cách làm hay, nhiều mô hình tốt trong công tác xóa đói, giảm nghèo đã xuất hiện tạo tiền đề để đại bộ phận hộ nghèo cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo, nhờ vậy tốc độ giảm nghèo nhanh hơn so với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa đều khắp ở các địa phương. Hiện cả nước vẫn còn 62 huyện nghèo nhất, với tỷ lệ hộ nghèo lên tới gần 50% tập trung chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa cuộc vận động vì người nghèo trong các tầng lớp nhân dân. Tổ chức các cuộc vận động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng từ trung ương đến cơ sở, nhằm huy động mọi nguồn lực về vật chất và tinh thần giúp đỡ người nghèo. Chú trọng các hoạt động chăm lo cho người nghèo, nhất là đồng bào nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước chăm lo giúp đỡ các hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, xây dựng chương trình, huy động nguồn lực và triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực. Các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện và triển khai Ðề án giảm nghèo nhanh và bền vững; sử dụng có hiệu quả Quỹ Vì người nghèo và nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; gắn mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với các chính sách an sinh xã hội và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập trung nguồn lực và các giải pháp hỗ trợ các huyện nghèo từng bước thoát nghèo.