Chung tay xây dựng nông thôn mới: Các xã đạt chuẩn "về đích” đúng hẹn

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã La Bằng (Đại Từ) rất phấn khởi bởi sau 3 năm nỗ lực, đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đang được các ngành chức năng thẩm định hồ sơ để công nhận đạt chuẩn vào tháng 12 tới.

Anh Nguyễn Ngọc Thép, Chủ tịch UBND xã La Bằng thông tin: Đạt được kết quả này, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều vì đầu năm, xã vẫn còn 4 tiêu chí chưa đạt là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa. Để hoàn thành các tiêu chí này, ngoài số tiền hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi phải huy động nhân dân đóng góp đối ứng hang tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa xã, 3 nhà văn hóa xóm, điểm thu gom rác thải và một số tuyến đường giao thông liên xóm...

Theo thông tin từ Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cùng với La Bằng, hiện nay, toàn tỉnh còn có thêm một số xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM là Hà Thượng (Đại Từ); Đồng Liên, Lương Phú (Phú Bình); Tân Cương, Đồng Bẩm, Quyết Thắng, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên); Tân Hương (Phổ Yên). Với kết quả này, tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra trước một tháng. Như vậy, sau 3 năm nỗ lực, đến nay, Thái Nguyên đã có 10 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM (Tháng 3-2014, tỉnh ta đã có xã đầu tiên là Hùng Sơn, Đại Từ đạt chuẩn NTM. Hiện nay xã này đã sáp nhập với thị trấn Đại Từ thành thị trấn Hùng Sơn). Bình quân tiêu chí NTM/xã của toàn tỉnh đã đạt gần 11 tiêu chí/xã, tăng xấp xỉ 6 tiêu chí/xã so với năm 2011.

Chương trình XDNTM triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao như vậy là do từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã huy động được gần 30.000 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư cho XDNTM. Trong đó, vốn lồng ghép từ các chương trình tài trợ và dự án khác là trên 1.100 tỷ đồng; vốn tín dụng là trên 19.000 tỷ đồng; huy động đóng góp của nhân dân trên 1.800 tỷ đồng... Cùng với đó, tỉnh cũng đã vận động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tiền của XDNTM. 3 năm qua, số tiền các tổ chức, cá nhân đóng góp cho Chương trình lên đến 10 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến giá trị của 210ha đất mà người dân trong tỉnh đã hiến để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn... Trong phát triển sản xuất, các địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai tích cực các chương trình, đề án, dự án có thế mạnh của mỗi vùng như: thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, nhất là sản xuất chè theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt); tích cực sản xuất rau an toàn; nuôi trồng thủy sản; xây dựng cánh đồng một giống; cánh rừng mẫu lớn; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại tập trung; thực hiện đề án sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu công nghệ cao; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho hình thức kinh tế tập thể...

Bên cạnh những nỗ lực trên thì theo ông Hoàng Cường Quốc, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM: Mặc dù xuất phát điểm khi bắt tay vào thực hiện Chương trình thấp, nhưng tỉnh vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra là nhờ phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn đã được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai sâu rộng ở 142 xã nông thôn trên địa bàn. Hầu hết các xã đều chủ động xây dựng, triển khai nhiều giải pháp, phương án huy động nguồn lực xây dựng các dự án phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hình thành các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả. Thêm vào đó, tỉnh đã có nhiều nội dung sáng tạo trong công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình XDNTM phù hợp, sát với thực tế, tiết kiệm chi phí, dễ làm như ban hành thiết kế mẫu đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi. Đồng thời, đơn giản hóa trình tự, thủ tục điều chỉnh quyền sử dụng đất để giải phóng mặt bằng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; thủ tục thanh, quyết toán các nguồn vốn trong XDNTM; cơ chế vay xi măng hỗ trợ từ ngân sách địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án khác và huy động từ cộng đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn...

Với những chuyển biến tích cực trong XDNTM, năm 2015, cùng với việc yêu cầu các xã đã đạt chuẩn tích cực hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí, XDNTM bền vững, tỉnh ta phấn đấu có thêm từ 25-27 xã đạt chuẩn. Các xã chưa đạt chuẩn phải tăng từ 2-3 tiêu chí/năm. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình trong năm tới là 7.011 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương: 220 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 421 tỷ đồng; huy động đóng góp của cộng đồng dân cư là 500 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép với các chương trình khác, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp...

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành