Chương trình 135 giai đoạn II động lực để Bát Xát phát triển

Trong 4 năm (2006-2009), với phương châm “Gần dân, sát cơ sở”, đầu tư trọng điểm cho phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời lồng ghép với các chương trình dự án khác, chương trình 135 giai đoạn II ở Bát Xát (Lào Cai) đã thực sự phát huy được hiệu quả. Nguồn vốn của Chính phủ đã đến với đồng bào nghèo Bát Xát, tiếp thêm sức lực để họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Chương trình 135 giai đoạn II, huyện Bát Xát có 16 xã và 2 thôn, với tổng số 8.069 hộ và 43.964 nhân khẩu được hưởng lợi. Đây là những xã đang gặp nhiều khó khăn: Nguồn nhân lực thiếu và chưa đồng đều, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, tỷ lệ nghèo còn cao ( 63,6% năm 2005); trình độ canh tác nông nghiệp thấp, một số tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, đời sống của đồng bào nơi đây còn thiếu thốn cả vật chất và tinh thần, thiên tai thường xuyên xảy ra.

Trên cơ sở xác định đúng tiềm năng, lợi thế về đất đai lao động và truyền thống cần cù làm ăn của đồng bào vùng đặc biệt khó khăn này, trong đó phân tích rõ các nhóm nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, để từ đó dốn sức, dồn lực và chỉ đạo thực hiện. Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ đã được huyện Bát Xát đón nhận và triển khai một cách đồng bộ. Công tác chỉ đạo thống nhất giữa thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước với các chương trình, dự án của địa phương và vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Các dự án của Chương trình 135 được thực hiện lồng ghép với chương trình 120, 134, nghị quyết 37, các nguồn vốn ngân sách tập trung, nước sạch vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai, nguồn vốn bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, nguồn xây dựng trung tâm cụm xã, kiên cố hóa trường lớp...

Đặc biệt đã cụ thể hóa 7 chương trình và 29 đề án kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai, thành 5 chương trình, 12 đề án phát triển kinh tế xã hội của Bát Xát giai đoạn ( 2006-2010). Lãnh đạo huyện, các ban, ngành cùng với xã thành lập ban chỉ đạo, bình xét, lựa chọn việc làm, hạng mục công trình và đối tượng để đầu tư, đảm bảo công khai, dân chủ. Công tác chỉ đạo thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2 được triển khai chặt chẽ từ huyện đến thôn, bản. Các thành viên ban chỉ đạo và các cơ quan đỡ đầu đã thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, tư vấn, hướng dẫn các xã trong việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội của các xã khó khăn này.

Huyện Bát Xát đã huy động nguồn vốn đầu tư chương trình 135 giai đoạn II được 71,166 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án 68,577 tỷ đồng và huy động sự đóng góp của nhân dân 2,589 tỷ đồng). Đến hết năm 2009 đã giải ngân được 63,487/68.577 tỷ đồng đạt 92,5%. Từ nguồn vốn này Bát Xát đã đầu tư 15 tỷ đồng hỗ trợ giống sản xuất cho 12.247 lượt hộ. Bao gồm 20.898 tấn lúa, 17.148 tấn ngô, 111 tấn khoai tây, 2 tấn đậu tương, 1,1 triệu hom dứa... đồng thời đầu tư mua 382 con trâu, 140 con bò, 158 con lợn giống; 201 máy chế biến (Sao chè, xay xát, lò sấy thuốc), hỗ trợ 1.036 công cụ sản xuất và 38, 55 tấn phân bón; giành 2,495 tỷ đồng mở gần 200 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 8.127 lượt người (trong đó có 453 thanh niên được đào tạo nghề tại chỗ).

Trên 55 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (trong đó nhân dân đóng góp ngày công trị giá 789 triệu đồng). 16 xã 135 đã lựa chọn và khởi công xây dựng 95 công trình thủy lợi tưới tiêu cho 315 ha; 13 công trình cấp nước sinh hoạt; 4 công trình trường học (10 phòng học); 7 trạm y tế; 7 công trình điện và 32 nhà sinh hoạt cộng đồng; 8.164 lượt học sinh là con em hộ nghèo được hỗ trợ 4,6 tỷ đồng.

Cùng với nguồn vốn 135, trong 4 năm (2006-2009), huyện Bát Xát đã đầu tư 147,636/217,592 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư, để đầu tư cho các xã 135 thông qua các chương trình lồng ghép. Trong đó 7 xã được hưởng chương trình 120 : 33,4 tỷ đồng; 16 xã được hưởng trương trình 134: 4,2 tỷ đồng; 16 xã được hưởng từ chương trình khắc phục thiên tai: 27.959 tỷ đồng. Riêng chương trình hỗ trợ xây dựng trụ sở xã 1,6 tỷ đồng tập trung 100% vốn cho xã 135.

Trong 2 năm 2008, 2009 cây vụ đông của Bát Xát với diện tích lớn nhất tỉnh trên 700ha và được coi là vụ sản xuất chính của đồng bào. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, diện tích các loại cây trồng đều tăng; đồng bào đã tập trung đầu tư sản xuất và hình thành vùng lúa ngon, lúa chất lượng cao. Nhiều mô hình mới cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được triển khai đồng loạt đến vùng cao như : Cây chè, cây ớt, cây thuốc lá, cây cao su, cây chuối, dưa... Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bát Xát duy trì trên 13%; giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích canh tác trên 30 triệu đồng 1ha năm 2009 tăng 15 triệu so với năm 2006; tổng sản lượng lương thực gần 33 ngan tấn; thu nhập bình quân đầu người 11,5 triệu đồng/người/năm tăng 7,2 triệu đồng; tỷ lệ giảm nghèo 7,2%/năm riêng xã 135 giảm nghèo 63,6% trong năm 2006 xuống còn 30,16% năm 2009. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% số thôn bản có đường xe máy đến nơi; 80% diện tích lúa được chủ động về thủy lợi; 23/23 xã có điện lưới quốc gia tăng gấp 2 lần sơ vơi năm 2005; 23/23 xã được phủ sóng điện thoại di động; 70% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98%; 82% phòng học được kiên cố hóa...

Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình 135 và lồng ghép các chương trình mục tiêu khác ở Bát Xát đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Dù còn nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng là Chương trình đã góp phần làm thay đổi căn bản về nhận thức, năng lực lãnh đạo, điều hành cho đội ngũ cán bộ xa, nâng cao nhận thức và ổn định tư tưởng nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương. Hiệu quả rõ nhất đó là sự thay đổi diện mạo nông thôn và phát triển kinh tế xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn này.

Nguyễn Thị Loan

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành