Chương trình 135 góp phần làm đổi thay bộ mặt vùng khó khăn Văn Chấn
Giai đoạn 2016 - 2019, hàng năm có từ 450 - 500 hộ (15%) được hưởng lợi từ Chương trình 135 đã thoát nghèo.
Những năm trước đây, đời sống của trên 1.000 hộ dân thuộc 4 dân tộc Dao, Tày, Mường, Kinh trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do trình độ dân trí không đồng đều, còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, yếu tố khách quan do khó khăn về hạ tầng cơ sở, nhất là đường giao thông.
Được sự đầu tư của Nhà nước, nhất là từ nguồn 135 mà đường giao thông thôn ở các thôn Đồng Thập, Đồng Quẻ, Tân An, An Thái… với tổng chiều dài gần 4 km đã được cứng hóa. Đây là điều kiện rất tốt để nhân dân trong xã đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Cũng như xã Minh An, bộ mặt nông thôn mới hầu hết các xã vùng khó khăn của huyện Văn Chấn như: An Lương, Suối Quyền, Suối Giàng, Nậm Lành, Nậm Mười… đều có sự đổi thay nhờ Chương trình 135.
Nằm ở phía Tây của tỉnh, Văn Chấn có diện tích tự nhiên trên 120.000 ha. Toàn huyện có 31 đơn vị hành chính thì có tới 17 xã đặc biệt khó khăn và 40 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II, tỷ lệ hộ nghèo khu vực này chiếm trên 70%.
Về Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2019 và dự kiến kết quả năm 2020, triển khai tại huyện Văn Chấn, đối với Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2019, tổng vốn thực hiện là 24.567 triệu đồng, đã có 11.420 hộ dân vùng khó khăn được hưởng lợi.
Trong đó, hỗ trợ giống vật nuôi là 16.246 con, trị giá trên 11 tỷ đồng cho 2.057 hộ; hỗ trợ 520 tấn phân bón các loại, kinh phí trên 3,4 tỷ đồng cho 6.579 hộ; hỗ trợ cây trồng, kinh phí trên 1,3 tỷ đồng cho 2.157 hộ; hỗ trợ giảm nghèo, kinh phí 300 triệu đồng cho 40 hộ.
Đối với Tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn kế hoạch là 109.691 triệu đồng, vốn thực hiện 120.741 triệu đồng. Đã đầu tư 120 công trình, trong đó có 73 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn và 52 công trình cơ sở hạ tầng thôn, bản đặc biệt khó khăn, duy tu bảo dưỡng 11 công trình”.
Đánh giá hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2019 cho thấy, hàng năm, có từ 450 - 500 hộ (15%) được hưởng lợi đã thoát nghèo; góp phần để 100% xã của huyện có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; 85,7% diện tích cây trồng hàng năm được bảo đảm tưới tiêu do các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư xây dựng; nhiều thôn, bản có đường giao thông đi lại tốt do được cứng hóa…
Để Chương trình 135 (giai đoạn 2016 - 2020) triển khai trên địa bàn hiệu quả, huyện đã làm tốt việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo của huyện và hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho công tác giảm nghèo ở địa phương.
Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện, xã thường xuyên được kiện toàn, củng cố, có phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên. Một yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả Chương trình 135 ở huyện Văn Chấn là do huyện đã thực hiện đúng nguyên tắc của Chương trình.
Điều này được thể hiện qua việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư theo đúng quy định, thực hiện nguyên tắc phân bổ vốn theo quyết định của Chính phủ và của HĐND tỉnh. Việc lập kế hoạch, thực hiện các hoạt động của chương trình, các dự án, tiểu dự án và các đối tượng được hưởng lợi đều thực hiện công khai, dân chủ, người dân được tham gia ngay từ việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi, đề xuất nhu cầu, lập kế hoạch.
Do đó, việc lựa chọn phương thức đầu tư đều phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, từ đó có ảnh hưởng tích cực tới tâm lý; đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong quá trình sử dụng, bảo quản nguồn vốn được đầu tư.
Phát huy hiệu quả Chương trình, huyện đã huy động và lồng ghép tối đa các nguồn lực: kinh phí đầu tư của Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, xã hội hóa, Dự án WB, Tầm nhìn thế giới… kết hợp cho công tác giảm nghèo.
Hàng năm, UBND huyện đều tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất cho Thường trực HĐND - UBND huyện và Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh theo quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình nhằm phát hiện kịp thời những sai sót, hạn chế trong triển khai chương trình tại cơ sở.
Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần làm đổi thay bộ mặt vùng khó khăn cũng như cuộc sống đồng bào dân tộc huyện Văn Chấn. Kết quả và bài học kinh nghiệm Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 là cơ sở để Chương trình 135 giai đoạn tiếp theo triển khai hiệu quả hơn, góp phần đưa bộ mặt và đời sống bà con dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của huyện miền núi Văn Chấn ngày càng đổi thay.