Chương trình 135 làm đổi thay vùng cao Hữu Lũng
Huyện Hữu Lũng có 25 xã, 1 thị trấn gồm 244 thôn, bản với 17 dân tộc anh em sinh sống. Đây là một trong những huyện nghèo của tỉnh Lạng Sơn với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện canh tác thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Năm 2009, số hộ nghèo toàn huyện có trên 4.000 hộ, chiếm tỷ lệ 16% tổng số hộ, tập trung phần lớn vào đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hữu Lũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án trong số đó, đáng kể nhất là Chương trình 135. Những năm qua, khu vực đồng bào các dân tộc huyện Hữu Lũng đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhiều công trình hạ tầng đã được xây dựng tạo nên sự khang trang cho các xã vùng cao đồng thời là tiền đề cho đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; nhiều dự án đầu tư phát triển văn hóa, xã hội đã được thực hiện góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; nhiều dự án đào tạo, hỗ trợ con em đi học, nâng cao dân trí được thực hiện có hiệu quả...
Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trong năm 2009, đầu năm 2010, huyện Hữu Lũng đã triển khai thực hiện các hợp phần thuộc Chương trình 135 như: dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; bồi dưỡng nâng cao năng lực, tập huấn cho cán bộ cơ sở và cộng đồng; dự án hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, hỗ trợ pháp lý nâng cao hiểu biết pháp luật; chính sách trợ giá, trợ cước. Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình 135 thực hiện trong năm là gần 4 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cùng anh cán bộ văn hóa xã Tân Lập, chúng tôi đến thăm ngôi nhà văn hóa thôn Tân Châu đúng vào buổi sinh hoạt thường kỳ của chi hội phụ nữ thôn. Lắng nghe các bà, các chị sôi nổi thảo luận về công việc đồng áng, việc học hành của con cái và dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội... tôi mới thấy hiệu quả của ngôi nhà nhỏ bé nhưng ý nghĩa này. Như để khẳng định, chị Hà Thị Bằng, hội viên phụ nữ còn níu chúng tôi lại bằng được để nghe chị kể về các hoạt động của chi hội phụ nữ thôn. Theo chị, có nhà văn hóa, mọi người có chỗ hội họp, bàn thảo đủ thứ trên đời, tiện lợi lắm. Nhà văn hóa còn là nơi vui chơi của bà con trong thôn những khi nông nhàn...
Đến thăm nhà anh Nông Văn Thạch ở thôn Đồng La II xã Yên Bình, chúng tôi được anh vui vẻ tiếp chuyện và kể về khoảnh ruộng vừa được thu hoạch của mình. “Nhà nghèo, nên gia đình tôi được hỗ trợ giống, phân bón và được cán bộ hướng dẫn cách làm. Giữa mùa khô vừa rồi, may mà có cái mương 135 nó đưa nước về. Vụ này nhà mình thu gần gấp rưỡi vụ trước đấy”.
Những ngày ở Hữu Lũng, chúng tôi may mắn được tham gia một khóa trợ giúp pháp lý của cán bộ tư pháp tỉnh với đồng bào thôn Điển Trên xã Thanh Sơn. Bà con tụ họp rất sớm, rất hào hứng, trên tay ai cũng cầm tờ giấy như thể có điều muốn hỏi. Mà đúng thế thật, bà con hỏi nhiều, từ việc khiếu nại, tranh chấp đất đai, ruộng vườn, đến con lợn, con gà. Các chị thì hay hỏi về Luật Dân số, các cụ hỏi về chính sách... Nhiều đến nỗi mà chị cán bộ tư pháp phải đề nghị bà con lắng nghe, điều gì trả lời trùng với câu hỏi của mình rồi thì thôi, để tiết kiệm thời gian. Anh Thông, một người dân chia xẻ: “Đúng là từ trước đến giờ có biết gì đâu, cứ thích là làm, có nhiều cái sai luật đấy. Bây giờ biết rồi, đỡ làm sai mà cũng đỡ phải tranh cãi với nhau, mệt lắm”.
Chương trình 135 thực hiện ở Hữu Lũng đã thực sự làm thay đổi về cơ bản đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao. Cho dù vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhưng về tổng thể, Chương trình đã đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Hi vọng rằng, Hữu Lũng tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, thực hiện tốt hơn nữa những hợp phần của Chương trình dành cho đồng bào để Chương trình đúng là “ý Đảng, lòng dân”.
Minh Huệ
[TT:T.V.T]