Chuyện xóa đói, nghèo dưới chân đèo Pha Đin
Một thị tứ mang dáng vẻ sầm uất, với những bản làng nằm ngay dưới chân đèo Pha Đin thuộc xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) đẹp như một bức tranh.
Đó là kết quả của việc ba dân tộc anh em Thái, Mông, Kinh chung sống trên mảnh đất này đã biết dựa vào nhau, gắn bó ân tình, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.
Về thăm Phổng Lái, xã cuối cùng trên bản đồ tỉnh Sơn La nơi có quốc lộ 6 đi qua tiếp giáp với huyện Tuần Giáo (Điện Biên), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về tốc độ phát triển kinh tế -xã hội một cách nhanh chóng.
Hơn 10 năm về trước, nơi đây còn là vùng đất khô cằn, đến nước uống cũng thiếu, người dân phải tích nước mưa để sinh hoạt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái Lầu Chù Tủa nhớ lại: Thời kỳ chống thực dân Pháp, xã Phổng Lái chỉ có vài ba bản của người Mông, người Thái. Năm 1961, nghe theo tiếng gọi của Đảng, hàng chục nghìn đồng bào miền xuôi lên khai hoang phát triển kinh tế - văn hóa miền núi. Phổng Lái được đón 120 hộ quê Thái Bình lên đây làm quê hương thứ hai.
Cái tên thị tứ Bình Thuận cũng ra đời từ đó, bằng cách ghép hai từ Thái Bình và Thuận Châu để đặt cho vùng đất mới. Cách đây bảy năm thực hiện công cuộc di dân giải phóng lòng hồ xây dựng thủy điện Sơn La, Phổng Lái lại một lần nữa san sẻ đất đai, chia sẻ nguồn nước đón 220 hộ dân đồng bào Thái huyện Quỳnh Nhai về cùng chung sống.
Cho đến nay, xã Phổng Lái có diện tích tự nhiên 9.210 ha, 24 bản, với 1.655 hộ, 7.462 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm 58%, Mông 24%, Kinh 12%. Từ khi Phổng Lái đón bà con di dân tái định cư về cùng chung sống, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi như: đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã làm cho bộ mặt nông thôn nơi đây thêm khởi sắc.
Trong đó, phải kể đến công trình nước Pa Lay được đầu tư 180 tỷ đồng dẫn nước từ đỉnh đèo Pha Đin dài 8 km về, làm cho bà con vô cùng phấn khởi, mảnh đất Phổng Lái đã thật sự hồi sinh.
Lý giải cho sự phát triển nhanh chóng của vùng đất này, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lái Trần Ngọc Đại tâm đắc một điều rằng: Ngoài thế mạnh về đất đai, nguồn nước, vị trí địa lý thì Phổng Lái còn tận dụng được một thế mạnh khác, đó là xây dựng được truyền thống đoàn kết gắn bó giữa ba dân tộc anh em. Điều đơn giản nhận thấy đó là giữa cộng đồng bà con miền xuôi với miền ngược đã có sự san sẻ giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hỗ trợ, học tập lẫn nhau trong phát triển kinh tế. Với hơn 50 năm gắn bó với mảnh đất này, bà con Thái Bình cùng bà con Thái, Mông đã xây đắp được mối quan hệ hết sức gần gũi, thân tình. Thế nên ở đây bà con có câu: "Thái đen, Thái trắng, Thái Bình, ba Thái đồng tình xây dựng quê hương". Có hàng chục đôi nam nữ miền xuôi, miền ngược nên vợ nên chồng, sinh sôi đến thế hệ thứ hai, thứ ba.
Nhớ lại ngày đầu tuyên truyền vận động di dân, tỉnh Sơn La có chủ trương nơi nào đất đai rộng, đón được bà con vùng ngập xây dựng thủy điện thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư. Đảng ủy, UBND xã Phổng Lái đã họp bàn xin ý kiến bà con nhân dân trong xã và nhận được sự đồng tình về việc đón bà con Quỳnh Nhai về cùng chung sống. Xã Phổng Lái rà soát đất đai, quy hoạch năm điểm có thể đón dân, san sẻ hơn 320 ha đất sản xuất cho bà con mới đến.
Trong đó, bà con người Kinh Thái Bình các bản Tiên Hưng, Đông Quan, Kiến Xương chuyển nhượng 65 ha chè đang thu hoạch, nhiều diện tích cây ăn quả, vườn tược cho bà con tái định cư. Nhờ đó, năm 2008 bà con bản Mường Chiên đến nơi ở mới, trong giai đoạn vừa làm nhà, vừa thu hoạch từ chè cho nên bà con có ngay thu nhập. Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái còn nhớ, ngày đó dẫn nhiều bà con trong xã trực tiếp sang huyện Quỳnh Nhai tuyên truyền vận động đón dân và đưa bà con bản Mường Chiên về thăm quê mới.
Khi bà con Liệp Muội, Mường Chiên di chuyển nhà về quê mới, nhân dân trong xã tổ chức ra đón, mang theo rau, gạo, củi giúp bà con mới đến. Những câu chuyện và việc làm đó như ngọn lửa nhen lên tình cảm giữa bà con sở tại và tái định cư.
Hôm nay về thăm Phổng Lái, còn nhiều câu chuyện về hợp tác làm ăn, san sẻ kinh nghiệm sản xuất giữa bà con Thái, Mông, Kinh. Nếu bà con người Mông có mô hình trồng cà-phê, chăn nuôi, bảo vệ rừng gắn với cây sơn tra, thì người Thái trồng chè, cà-phê, cây ăn quả, chăn nuôi; người Kinh chế biến, bao tiêu sản phẩm, làm dịch vụ... Bây giờ bà con người Mông ở bản Mô Cổng, Nặm Giắt cũng học được kinh nghiệm trồng chè, năm 2014 có 30 ha trồng mới. Người Thái ở bản Mường Chiên giờ còn học được cách của người Kinh mạnh dạn đầu tư máy sơ chế chè.
Những câu chuyện làm ăn như thế xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng đất này. Theo thống kê, nếu năm 2000 Phổng Lái còn 75% số hộ đói nghèo thì nay con số đó chỉ còn 18% với hơn 50% số hộ có thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng, 95% số hộ có xe máy, máy thu hình, tủ lạnh, 30 hộ có xe ô-tô...
Phổng Lái hôm nay thật sự giữ vững được tình hình an ninh trật tự, tệ nạn ma túy bị đẩy lùi, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Kết quả đó đều bắt đầu từ việc Phổng Lái chăm lo xây dựng tình đoàn kết gắn bó giữa ba dân tộc anh em.