Có những mô hình giảm nghèo còn thiếu hiệu quả
Những năm qua, từ triển khai xây dựng một số mô hình kinh tế ở địa bàn miền núi hiệu quả đã góp phần thay đổi diện mạo, đời sống đồng bào DTTS. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, có những mô hình đã “chết yểu” ngay sau khi dự án kết thúc, hoặc không thể triển khai tiếp.
Như tại huyện 30a Tương Dương (Nghệ An), đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân thuộc các dân tộc thiểu số Thái, Khơ mú, Mông, Ơ đu có nhiều khó khăn. Các mô hình kinh tế trở thành cứu cánh đối với đồng bào. Trong đó phải kể đến những mô hình trồng rau an toàn, chăn nuôi bò, lợn… không chỉ mở lối thoát nghèo cho người dân mà còn góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những mô hình khi triển khai không nhận được sự hưởng ứng từ người dân. Trong đó phải kể đến 2 mô hình trồng chuối tiêu hồng và trồng mây. Năm 2012, huyện Tương Dương bố trí 170 trệu đồng hỗ trợ cho 23 hộ dân ở bản Chắn, xã Thạch Giám, triển khai mô hình trồng chuối tiêu hồng. Đến nay, mô hình đã chết hẳn khi chỉ còn vài hộ duy trì.
Hay mô hình trồng mây được triển khai trên địa bàn nhiều xã của huyện Tương Dương như Tam Đình, Yên Hòa, Nga My… nhưng đến nay cũng đang dần đi vào quên lãng.
Còn tại huyện Quỳ Châu, từ vốn Chương trình 30a, huyện này triển khai hỗ trợ bò, lợn sinh sản và vịt bầu cho người dân. Tuy nhiên, nhiều bò và lợn sinh sản bị chết chỉ thời gian ngắn sau khi người dân nhận về nuôi.
Có nhiều nguyên nhân khiến các mô hình giảm nghèo nêu trên không thể giúp người dân thoát nghèo. Trong đó có một nguyên nhân quan trọng là trước khi các mô hình, dự án triển khai cơ quan chức năng chưa có những khảo sát chắc chắn và đánh giá có tính khoa học về sự bền vững của dự án; như về những yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu địa hình, nhất là đối với địa bàn vùng cao. Đây chính là bất hợp lý trong việc thực hiện các mô hình xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi.