Cuộc đời người La Hủ từ nay sáng rồi! - Bài cuối: Vươn lên thoát nghèo

Qua 3 năm nỗ lực, chung sức của tất cả các cấp, các ngành, cuộc sống của đồng bào La Hủ ở khu vực các xã biên giới của huyện Mường Tè (Lai Châu) đã thay đổi vượt bậc. Người La Hủ bây giờ không còn là người “Lá vàng” (người La Hủ chặt cây rừng làm lán ở cho đến khi lá cây vàng rụng xuống “hở trời” thì chuyển đi chỗ khác - PV). Những cuộc thiên di trên khắp miền biên viễn đã chấm dứt, thay vào đó là cuộc sống định canh định cư, vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Từ trong gian khó

Dân tộc La Hủ hiện có hơn 6.000 người, sống rải rác trên các triền núi cao thuộc bốn xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, Thu Lũm và Ka Lăng (huyện Mường Tè). Trước năm 2007, dân tộc La Hủ phải đối mặt với tình trạng suy thoái và lạc hậu nghiêm trọng bởi lối canh tác giản đơn, cuộc sống du canh, du cư trên các vùng rừng hoang vắng hoặc các vùng lõm trong thung lũng, ít có quan hệ với các cộng đồng tộc người chung quanh. Mỗi chòm bản của đồng bào La Hủ được dựng lên khá tạm bợ bằng cây rừng và cách biệt giữa những đỉnh núi cao. Nhiều bản trong tình trạng "bảy không": Không điện, đường, trường, trạm, chợ, thông tin, thủy lợi. Cũng vì lẽ ấy, đồng bào La Hủ luôn nghèo và đại đa số không biết tiếng phổ thông. Họ chỉ có thể tự đảm bảo lương thực vài ba tháng trong năm, những tháng còn lại đành phó mặc cho việc hái lượm hoa trái, đào củ, đánh bẫy, săn bắt thú trong rừng.

Những năm trước đây, Đảng bộ tỉnh Lai Châu và chính quyền các cấp đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đặt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững cho người dân nơi đây, với các chương trình đầu tư cơ bản. Nhưng với nhiều lý do khác nhau, việc mở đường giao thông đến các bản nơi tập trung người dân sinh sống, việc vận động định canh định cư, cầm tay chỉ việc giúp người dân thay đổi lối canh tác lạc hậu... vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn, khiến cho đời sống người dân chưa thể vượt qua được đói nghèo. Mặt khác, các tệ nạn nghiện hút, rượu chè vẫn hoành hành, góp phần làm cho các bản làng của đồng bào La Hủ càng trở nên tiêu điều xơ xác. Cái đói quẩn chân, cái nghèo bó gối.

Đến cuộc dừng chân thay đổi đời người

Cuộc dừng chân mang tính lịch sử của người La Hủ bắt đầu năm 2009, khi Dự án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ khu vực biên giới Mường Tè, Lai Châu khởi động, do Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu làm chủ dự án. Chiến dịch bắt đầu từ bản xa nhất, khó nhất là bản Là Si đã thành công rực rỡ, các chiến sĩ bộ đội biên phòng càng quyết tâm hơn nữa.

Những ngôi nhà mới tiếp tục được xây dựng ở bản Tân Biên, Mù Chi, (xã Pa Ủ), xã Ka Lăng, bản Là Si, (xã Thu Lũm), và xã Pa Vệ Sủ. Đến nay, nhờ các chương trình, chính sách, dự án đầu tư chung trên địa bàn cũng như những dự án dành riêng, các xã có đại đa số là đồng bào La Hủ như xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ đã có đường giao thông đến các bản đặc biệt khó khăn. Trẻ em người La Hủ đã có trường tiểu học, trung học cơ sở ở tại trung tâm xã và các điểm trường tiểu học, mầm non tại các bản.

Anh Lò Văn Thịnh, chiến sĩ Đồn biên phòng 313, nhớ lại những ngày đầu dựng bản mới cho đồng bào La Hủ ở xã Thu Lũm và Ka Lăng. 30 chiến sĩ biên phòng ngày đêm làm việc; vào rừng sâu xẻ gỗ, về trung tâm xã cõng tôn, nhu yếu phẩm lên. Ruồi vàng, bọ chó nhiều không kể xiết. Cứ thấy người đâu là bu đông đặc tới đó. Vừa làm vừa gãi đến lở loét cả người. Có những hôm anh em khiêng gỗ bầm hết cả hai bên vai, tối về xoa tí dầu sáng mai lại làm tiếp. Cứ ba ngày hoàn thành một nóc nhà. Chiến dịch “65 ngày đêm giúp đồng bào La Hủ" đã xây dựng thành công 23 căn nhà ở bản Là Si, xã Thu Lũm, 20 căn nhà ở bản Là Si, xã Ka Lăng. "Giai đoạn ấy mệt thật nhưng mà vui lắm anh ạ. Giờ họ đã có một mái nhà để ở rồi”, Lò Văn Thịnh tâm sự.

“Bản của người La Hủ bây giờ có rất nhiều người nói được tiếng Kinh, chỉ có người già là không học được, chứ lớp thanh niên thì đứa nào cũng nói được. Còn trong nhà có trẻ con đi học tới lớp 4, 5 là chuyện bình thường. Người La Hủ cũng đã biết buôn bán kinh doanh, sửa chữa xe máy rồi đấy”, Phó bản Ly Gạ Chừ, bản Seo Thèn B, xã Pa Vệ Sủ vui mừng.

Ông Phùng Nhù Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ cho biết thêm: “Đồng bào La Hủ đã có cuộc sống ổn định, đã biết trồng rau, nuôi gà, cấy lúa nước, trồng lúa nương, trồng ngô với năng suất cao. Tới đây, đồng bào La Hủ sẽ tự chủ được lương thực, thực phẩm như các dân tộc khác; sẽ có hàng hóa để bán, để làm giàu”.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tuất, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu: “Bằng sự nỗ lực lớn, các ngành chức năng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu quan trọng số một trong việc thực hiện đầu tư và hỗ trợ cho đồng bào La Hủ, đó là thực hiện sắp xếp ổn định dân cư. Theo suy nghĩ của chúng tôi, thành quả này là một “cuộc cách mạng về tư tưởng”. Song để phát triển bền vững, trong thời gian tới mục tiêu của Đề án vẫn là giúp cho đồng bào La Hủ ổn định định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, xóa bỏ tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để đồng bào sớm hòa nhập và tiến kịp các dân tộc khác trong tỉnh sau năm 2015".

( Theo baotintuc.vn)

[TT: LPM]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành