Cuộc sống mới của người Chơ Ro

Luôn mong muốn được "an cư, lập nghiệp", đồng bào dân tộc Chơ Ro đã thay đổi tập quán "du canh, du cư" về sống tập trung tại làng dân tộc bền vững ấp 6, xã Phước Bình, huyện Long Thành (Ðồng Nai). Nhờ đó, đời sống của hơn 160 hộ đồng bào Chơ Ro đã "thay da đổi thịt", ngày càng no ấm.

Ðược sự hỗ trợ của các cấp chính quyền tỉnh Ðồng Nai, người dân ở làng dân tộc bền vững Phước Bình nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế hộ gia đình. Hộ nuôi ít nhất cũng được năm con, nhiều nhất lên đến 60 con bò. Ðang lùa đàn bò hơn mười con của mình trên đồng cỏ, ông Dương Văn Lùn, người dân tộc Chơ Ro chia sẻ với chúng tôi: "Lúc chưa tập trung về đây, bà con sống rải rác theo rẫy, theo vườn từng nhóm, từng cụm. Bữa ăn hằng ngày không đủ, nhà ở lợp tranh, lợp lá dừa, vách đất. Từ năm 1997, được Ðảng và Nhà nước quan tâm xây dựng khu định cư, cấp đất định canh, đời sống của bà con phát triển, không còn khó khăn như thời "du canh, du cư".

Cách đây gần 17 năm, UBND huyện Long Thành quyết định đầu tư xây dựng làng định cư Chơ Ro Phước Bình hay còn được biết đến là làng dân tộc bền vững Phước Bình. Làng có 78 căn nhà tại ấp 6, xã Phước Bình được xây dựng theo Chương trình 134, 135, tập hợp bà con dân tộc Chơ Ro sống rải rác trên địa bàn xã về sinh sống. Tiếp đó, huyện Long Thành tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 82 căn nhà, nâng tổng số lên 160 căn nhà trong làng định cư. Ngoài xây dựng nhà cửa, huyện còn đầu tư làm đường nhựa, bê-tông, nước sạch, điện sinh hoạt đến tận từng xóm, ngõ. Có được nơi "an cư", là tiền đề quan trọng để bà con DTTS "lập nghiệp". Từ đó, với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, bà con đã nỗ lực lao động sản xuất, chuyển từ trồng lúa một vụ lên ba vụ trong một năm với năng suất bình quân từ bốn đến sáu tấn/ha. Tính trung bình, hằng năm mỗi hộ đều có tổng thu nhập hơn 60 triệu đồng từ nuôi bò, nuôi gà, trồng lúa, điều...

Bên cạnh chăm lo đời sống kinh tế, huyện Long Thành còn chú trọng đến bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào Chơ Ro. Huyện cũng xây dựng và đưa vào sử dụng nhà văn hóa tại làng dân tộc bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tổ chức các lễ hội và lưu giữ các hiện vật truyền thống. Ông Dương Văn Cũng, một trong những người đầu tiên về làng dân tộc bền vững sinh sống, vui vẻ cho biết: "Từ khi nhà văn hóa được xây dựng đến nay, dân làng thấy có lợi ích, có nơi thờ cúng ông bà, nhất là việc tổ chức lễ hội thờ cúng thần rừng... Rồi có nơi để bà con múa hát, lưu giữ, ca ngợi bản sắc dân tộc".

Ngay từ khi mới thành lập làng dân tộc bền vững, ngành giáo dục huyện Long Thành đã bố trí các lớp bổ túc văn hóa ngay trong làng cho người Chơ Ro đến học để biết cái chữ, biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, trồng trọt. Ðối với con em người dân tộc Chơ Ro trong làng, Ban giám hiệu các trường tiểu học, trung học cơ sở cùng các đoàn thể của xã Phước Bình thường xuyên đến từng hộ để vận động cho con em đi học. Ðồng thời với việc miễn, giảm học phí, các trường còn cấp học bổng và tặng quà cho học sinh nghèo trong làng. "Ðến nay, trình độ học vấn của con em đồng bào dân tộc đã được nâng lên rõ rệt. Hiện trong làng, bốn người có trình độ đại học, năm người có trình độ trung cấp. Ngoài ra, hầu hết các em học sinh đồng bào dân tộc cũng đều có cơ hội tới trường", ông Ðào Văn Ðược, người dân tộc Chơ Ro sống trong làng nói.

Ðể giúp bà con dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ðồng Nai Trương Long Châu cho biết: "Ðồng Nai đã nhân rộng việc xây dựng các làng dân tộc bền vững như làng dân tộc xã Phước Bình, huyện Long Thành. Có thể kể đến làng dân tộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu; xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc; xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ... được xây dựng với kinh phí hơn 11 tỷ đồng bằng nguồn vốn của tỉnh. Các làng đã giúp ổn định cuộc sống cho hơn 600 hộ dân để các hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương".

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành