Đắk Lắk quan tâm đầu tư nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Từ năm 2001 đến nay, từ nguồn vốn các chương trình, dự án của Nhà nước trên 4.040,2 tỷ đồng, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xã hội nên đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn, buôn làng ngày càng khang trang.
Tỉnh Đắk Lắk đã cấp đất sản xuất cho 7.737 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chủ yếu là đồng bào ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, với diện tích gần 2.772 ha; cấp đất ở cho 5.531 hộ, với diện tích 144,5 ha (bình quân đất ở 260 mét vuông/hộ). Tỉnh hỗ trợ 1.451 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất 1.503 con bò cái sinh sản và giao khoán cho đồng bào quản lý, bảo vệ rừng, với diện tích gần 4.000 ha.
Tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà tạm để xây dựng mới trên 18.755 ngôi nhà nhằm tạo điều kiện giúp đồng bào có nhà ở riêng kiên cố, ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng hỗ trợ nước sinh hoạt cho 16.059 hộ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong có 1.520 hộ đồng bào được thụ hưởng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 14 công trình cấp nước tập trung, còn lại là thụ hưởng từ các công trình phân tán nhỏ, lẻ. Nhờ vậy, hiện nay, 81% dân số ở vùng nông thôn của tỉnh Đắk Lắk đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Hàng năm, tỉnh Đắk Lắk cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cấp sách giáo khoa, vở viết cho học sinh, thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, hỗ trợ tiền điện...cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng từ nguồn vốn của Chương trình 135, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chủ yếu là xây dựng giao thông nông thôn, trường học, công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt. Được đầu tư từ nhiều chương trình, chính sách dành cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hầu hết các chính sách đều gắn với công tác xóa đói giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh những năm gần đây giảm trung bình gần 3%/năm. Cơ hạ tầng thiết yếu tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư đồng bộ phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào. Nhờ vậy, đến nay đã góp phần tạo điều kiện cho 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã, 90% xã và 70% số hộ gia đình được sử dụng điện, 100% xã có trạm y tế, các chính sách dân tộc, an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả cao...
Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Quốc hội, Chính phủ duy trì và có thêm các chính sách tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế...cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Cần nghiên cứu, loại bỏ dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào như chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm góp phần khuyến khích đồng bào nâng cao ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị, các chính sách đầu tư khác trên địa bàn Tây Nguyên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu của người dân, với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, tăng định mức hỗ trợ đầu tư đặc thù cho khu vực Tây Nguyên để góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư từ các chương trình. Cần có chính sách hỗ trợ giá, hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển bền vững đối với các cây trồng, mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu...
Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định về cơ chế quản lý, lồng ghép các chương trình, dự án được thực hiện trên cùng một địa bàn, đồng thời có cơ chế, chính sách quản lý các chương trình, dự án nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện.../.