Dấu ấn 135 trên các buôn làng Tây Nguyên

Đi trên con đường bê tông uốn lượn quanh các ngôi làng, qua những mái nhà mái ngói đỏ tươi, những dãy cà phê, tiêu tươi tốt… sẽ không khó để cảm nhận được đời sống của người dân các buôn làng Tây Nguyên đang từng ngày no ấm. Thành quả này có sự hỗ trợ quan trọng từ Chương trình 135.

Làm đường giao thông nông thôn xã Đăk Long, Kon Plông (Kon Tum)

 

Măng Cành là xã đặc biệt khó khăn của huyện huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, có tới 90% đồng bào DTTS. Trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng nghèo khó, nhờ nguồn vốn Chương trình 135 đầu tư, đến nay cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương thủy lợi, xây dựng trường học, các công trình nước sinh hoạt… đã được hoàn thiện và đồng bộ.

Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông nối từ thôn ra cánh đồng lúa, rồi đi dọc con kênh thủy lợi vừa được nạo vét, vệ sinh sạch sẽ, già làng A Lễ thôn Kon Chênh vui vẻ nói: Trước đây, đoạn kênh mương này được đắp bằng đất thường xuyên bị tắc nghẽn, sạt lở, bà con đào đắp đất để khơi thông dòng chảy nên nước lúc có lúc không, không bảo đảm đủ nước để cây lúa phát triển, cực khổ mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Giờ thì ổn rồi, đường sá được bê tông từ thôn ra đến đồng, nước đưa đến tận ruộng đầy đủ, bà con chủ động hơn trong việc thăm đồng, bón phân, chăm sóc cây trồng, nhờ đó năng suất lúa và hoa màu cao gấp đôi, gấp ba. Nhà nào cũng lúa đầy kho, đời sống bà con bớt khổ hơn nhiều. 

Như để chứng minh, già A Lễ chỉ chúng tôi thấy khu dựng kho thóc của người dân nói rằng: “Người Xơ-đăng thường tập trung dựng kho lúa ở một nơi cách xa nhà, xa làng, không có người canh giữ, kho nhà nào nhà nấy dùng và không bị mất trộm bao giờ. Làng nào nhiều nóc kho lúa chứng tỏ người dân có cuộc sống ấm no”.
 

Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết: Nhờ Nhà nước đầu tư các công trình dân sinh trên địa bàn, đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho bà con trong việc đi lại, sản xuất, phát triển cây trồng, vật nuôi, bà con rất phấn khởi, yên tâm sản xuất. Đặc biệt, những công trình phục vụ sản xuất từ nguồn vốn 135 như công trình thủy lợi Ri Chân bảo đảm nguồn nước cả về mùa khô, thuận lợi cho bà con chăm sóc cây trồng, phát triển kinh tế. Từ xã khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào DTTS ở địa phương đang từng ngày ổn định, không còn phải lo cái ăn, cái mặc như trước nữa.
 

Tương tự, tại xã Yang Réh, huyện Krông Bông tỉnh Đăk Lăk, Chương trình 135 đã góp phần thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn của địa phương. Trong 3 năm từ 2017 - 2019, xã Yang Reh ưu tiên lựa chọn xây dựng bê tông hóa được 494m đường giao thông nội vùng, kiên cố hóa 3.101m kênh mương nội đồng từ Chương trình 135. Đến nay, trên địa bàn xã không còn tình trạng đường giao thông nông thôn lầy lội vào mùa mưa, các tuyến kênh mương nội đồng được kiên cố hóa tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển kinh tế nông nghiệp…
 

Có thể khẳng định, sau 3 năm triển khai Chương trình 135 đã để lại nhiều dấu ấn trên các buôn làng Tây Nguyên với những dự án dân sinh, hợp lòng dân. Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk nhận định: Không chỉ cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, hoàn toàn thay đổi bộ mặt nông thôn mà nhiều công trình 135 còn thúc đẩy kinh tế địa phương, giúp người dân vùng sâu, vùng DTTS từng bước thoát khỏi đói nghèo…

 

(baodantoc.vn)

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành