Diện mạo mới ở Phú Cường
Từ năm 2008, khi cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai đến từng cán bộ, đảng viên và người dân xã Phú Cường (Đại Từ, Thái Nguyên), cuộc sống của đồng bào Tày, Nùng, Cao Lan... nơi ngã ba sông đã có nhiều đổi thay rõ rệt.
Vùng đất xã Phú
Cường nhìn từ xa như bức tranh sơn - thủy hữu tình với những nhà mái bằng, mái
ngói khang trang xen lẫn những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày. Nhìn
cảnh ấy, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, nhớ lại hơn bốn năm trước, lên Phú
Cường đúng vào mùa mưa, nhiều đoạn đường lép nhép bùn đất, hai cây cầu treo bắc
ngang sông Công, sông Trong oằn mình bởi dòng nước đỏ ối xô chảy dưới chân. Bí
thư Đảng ủy xã Phú Cường Hoàng Xuân Chiến bảo: "Ngày trước, Phú Cường
nghèo vì giao thông khó khăn; tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân hạn chế,
chưa phát huy được hết vai trò tiên phong, gương mẫu... Nhưng, có một điều âm ỉ
như ngọn lửa trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, đó là tinh thần
đoàn kết, sẵn lòng hợp lực và hy sinh cái tôi riêng để cùng nhau xây dựng nên
một diện mạo mới cho quê hương".
Phó Chủ tịch UBND xã
Nguyễn Kim Chinh cho biết: Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức được thể
hiện thông qua hành động của hàng trăm gia đình cán bộ, đảng viên và người dân
trong xã đã hiến gần 100.000 m 2 đất canh tác, đất ở và tài sản trên đất trị
giá hàng tỷ đồng mà không đòi hỏi tiền đền bù. Nhờ vậy, trong những năm gần
đây, các tuyến đường tỉnh lộ DT 264 qua xã được nâng cấp, trải nhựa; tuyến
đường qua các xóm Na Mấn, Na Quýt và Văn Cường 2 dài 4,1 km được mở rộng từ 2 m
lên 7 m; hai cây cầu treo bắc ngang sông Công, sông Trong được nâng cấp chắc
chắn, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại an toàn và thuận lợi hơn trong việc
giao thương hàng hóa.
Hàng hóa nông sản ở
xã Phú Cường chủ yếu là chè búp khô, hiện mười xóm của xã có hơn 1.300 hộ, hơn
5.100 nhân khẩu, gồm Tày, Nùng, Kinh, Cao Lan, Sán Chí... thì có hơn 90% số hộ
trong xã có nguồn thu nhập từ cây chè. Với 264 ha chè, trong đó có 120 ha chè
cành giống mới, chủ yếu là Bát Tiên, Kim Tuyên, TRI 777 và Phúc Vân Tiên. Nhờ
thực hiện các khâu chăm sóc, thu hái và chế biến đúng quy trình, chè Phú Cường
đạt năng suất bình quân 5,4 tạ búp khô/ha/lứa, có diện tích đạt năng suất 8,5
tạ/ha/lứa. Với sản lượng cả năm đạt hơn 1.000 tấn và giá bán bình quân 150.000
đồng/kg như hiện nay, cây chè mang lại cho người dân Phú Cường khoản thu khoảng
150 tỷ đồng. Điển hình có thể kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, xóm Văn
Cường 1 là hộ sản xuất chè năng suất cao, với 3.600 m 2 đất trồng chè, chủ yếu
là chè lai, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 1,6 tấn chè búp khô, thu hơn
300 triệu đồng.
Để sản phẩm chè Phú
Cường không bị trôi nổi trên thị trường, năm 2014, ông Tiến vận động 32 hộ
trong xóm cùng tham gia liên kết làm ăn. Bà con hưởng ứng, Hợp tác xã chè Nam
Cường do ông Tiến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ra đời. Ông Tiến chia sẻ: Ngày
trước, người dân xã Phú Cường đã có cây chè, nhưng khoảng năm năm lại đây, cây
chè mới thật sự mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân.
Nhìn những nương chè
nối nhau chạy dài tít tắp, Chủ tịch UBND xã Phú Cường Nguyễn Hữu Bằng tâm sự:
Cây chè cho nông dân Phú Cường sự no ấm, song vì lợi ích chung, nhiều gia đình
trong xã đã hiến cả bãi chè rộng hàng nghìn m 2 , mỗi năm mang lại nguồn thu cả
trăm triệu đồng để Nhà nước mở rộng đường. Điển hình như gia đình ông Trần
Thanh Hải, xóm Na Mấn, hiến 2.000 m 2 để mở mới đoạn đường nối hai xóm Na Mấn và
xóm Chấp... Đầu năm 2014, 45 hộ ở xóm Khuân Thông và xóm Chiềng đã hiến hơn
22.000 m 2 đất, nhờ đó, tuyến đường qua xóm được mở rộng từ 2,5 m lên 5 m,
người dân đi lại thuận lợi, an toàn. Rõ ràng, làm nên diện mạo mới trên vùng
đất Phú Cường bắt đầu từ những kinh nghiệm của sự đổi mới tư duy trong mỗi cán
bộ, đảng viên và người dân. Bài học cụ thể là cán bộ, đảng viên dám làm, gương
mẫu, tiên phong thì người dân mới hăng hái hưởng ứng.