Đỡ đầu, tiếp sức cho hộ nghèo, cách làm mới giúp đồng bào thoát nghèo bền vững
Phân công từ 2 - 4 cơ quan, đơn vị thực hiện giúp đỡ một hộ nghèo là nội dung đang được huyện Tây Trà (Quảng Nam) tập trung triển khai từ năm 2017 đến năm 2020. Cứ mỗi thôn, một năm, các cơ quan, đơn vị, trường học sẽ lựa chọn ra một hộ nghèo, để đỡ đầu, tiếp sức.
Trong năm qua, gia đình của chị Hồ Thị Hạnh ở thôn Vàng, xã Trà Trung được 3 cơ quan, đơn vị, trường học gồm Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Phòng Tư pháp và Trường PTDTBD TH&THCS Trà Trung nhận đỡ đầu. Nhằm giúp gia đình chị Hạnh từng bước thoát nghèo bền vững, nhóm cơ quan, đơn vị, trường học này đã hỗ trợ gia đình chị Hạnh thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gồm: Trồng lúa nước, trồng ớt xiêm, củ nghệ, gừng và nuôi vịt xiêm, nuôi heo bản địa.
Không chỉ đóng góp kinh phí mua cây, con giống hỗ trợ cho gia đình chị Hạnh, mà các cán bộ của cơ quan, đơn vị, trường học còn trực tiếp vượt 5km đường núi từ trung tâm xã lên phần đất trên rẫy của gia đình chị Hạnh, để tham gia trồng trọt và làm lúa nước cùng gia đình.
Cảm kích trước sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, chị Hồ Thị Hạnh vui mừng cho biết: Trước giờ, vợ chồng tôi chăm chỉ lắm, nhưng chỉ biết làm lúa rẫy và đi chặt hồ lô, keo mướn cho người ta, chứ không tìm được hướng thoát nghèo. Giờ có cán bộ giúp đỡ tận tình, chúng tôi như được chỉ đường cho đi”.
Cũng như 3 đơn vị nêu trên, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, đồng hành cùng hộ nghèo thoát nghèo bền vững, ngoài mục tiêu giảm 180 hộ nghèo mỗi năm theo kế hoạch tỉnh giao, 99 cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Tây Trà đang tập trung thực hiện kế hoạch mỗi năm hỗ trợ thêm 36 hộ nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững. Hy vọng với cách làm năng động, sáng tạo này, huyện Tây Trà – một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm khoảng 75% dân số) sẽ từng bước vượt khó, giảm tỷ lệ hộ nghèo và phát triển ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.