Đổi thay trên bản người Mông

Bản Huồi Giảng 1 (xã Tây Sơn, Kỳ Sơn) nằm ở độ cao trên 1.400m, tựa vào dãy Pù Lan hùng vĩ. Bản làng với những nhà mái gỗ sa mu thâm nâu, nằm dưới những gốc hồng xanh tốt, cây đào Mông nay bắt đầu ra nụ… Bản đẹp và bình yên như tranh vẽ, cuộc sống người dân đang dần đổi thay…

Chuyện kể của trưởng bản trẻ tuổi

Loa phát thanh của bản Huồi Giảng 1 vang lên to, rõ ràng, nhưng chúng tôi nghe chẳng hiểu gì, bởi vì được phát hoàn toàn bằng tiếng Mông. Đợi anh trưởng bản Vừ Bá Gianh (SN 1982) đọc xong, chúng tôi mới ngồi trò chuyện. Anh tâm sự: “Bà con trong bản nhiều người không biết tiếng Kinh đâu, dân trí còn thấp lắm. Mỗi lần mình đi họp về, có chỉ thị, hay các chủ trương mới của Đảng, của Nhà nước, là phải mất hơn một ngày ngồi dịch từ tiếng Kinh sang tiếng Mông mới xong, sau đó đọc trên loa phát thanh cho cả bản. Mà có nhiều chữ khó dịch lắm”.

Vừ Bá Gianh là một trong những trưởng bản trẻ tuổi của xã Tây Sơn, Kỳ Sơn. Anh học hết lớp 9 là nghỉ học ở nhà làm nương, làm rẫy. Nhưng ngày ấy, anh đã là người nhiều chữ nhất trong bản rồi! Làm Bí thư Chi đoàn, Phó bản kiêm công an viên, sau đó được bầu làm Trưởng bản, Vừ Bá Gianh đã làm được nhiều việc cho bà con bản Huồi Giảng 1: Đưa giống cây con về trồng; phổ biến kỹ thuật trồng các loại giống cây mới; tổ chức công tác phòng chống chữa cháy rừng phòng hộ; đảm bảo an ninh trật tự xóm...

Theo Trưởng bản Vừ Bá Gianh: Ngày trước, Huồi Giảng không ai được học hành, nên bây giờ khoảng 60% người dân trong bản không biết đọc, biết viết. Tỉ lệ phụ nữ không biết chữ cao hơn nam giới. “Con gái ít được cho đi học hơn con trai, bà con cho rằng con gái lớn lên nó lấy chồng là mất. Phải vận động mãi, bà con dân bản mới nghe. Bây giờ thì đứa trẻ nào cũng được đến lớp rồi”.

Đổi thay Huồi Giảng

Huồi Giảng được chia thành 3 bản Huồi Giảng 1, 2 và 3 có chung dòng họ Vừ. Người già trong bản giải thích: “Cả 3 bản Huồi Giảng này đều là người một họ cả, là con cháu của một cha, một mẹ từ ngày xưa về đây sinh sống, phát nương, phát rẫy, rồi sinh con đẻ cái ngày một nhiều thêm. Đến khi bản Huồi Giảng 1 đất hẹp, người đông, thì mới tách ra Huồi Giảng 2, Huồi Giảng 3.

Huồi Giảng 1 bây giờ có khoảng trăm nóc nhà, hầu hết đều được lợp và thưng bằng gỗ cây sa mu, qua thời gian đã ngả màu nâu đen. Đường đi từ nhà nọ đến nhà kia hầu như chẳng có, mọi người cứ trèo qua những phiến đá nhấp nhô, gập ghềnh, qua những gốc đào cổ thụ của người Mông xù xì, màu xám mốc đang gom nhựa, gom những chồi sống tràn trề chờ ngày bừng nở sắc thắm đỏ, và sắc xanh mơn mởn của ngày xuân mùa mới....

Chúng tôi lặng ngắm những gốc đào, dường như không chỉ là một loại cây đơn thuần, ra hoa kết trái, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con, mà còn là một phần linh hồn, ý nghĩa và liêng thiêng đối với đồng bào Mông. Chẳng phải vì thế mà qua bao nhiêu năm, bao nhiêu đời, bao nhiêu cuộc di dân bắt nguồn từ tập tục du canh du cư của người Mông, mà gốc đào vẫn được mang theo? Những ngày đầu năm, cái rét như ngọt hơn, sương mù nặng, ủ những mái nhà gỗ chìm trong vẻ mờ ảo của bản làng nơi miền tây xứ Nghệ, của một bản Mông vẫn còn giữ được rất nhiều nét bản sắc đặc trưng.

Trời sáng, bản làng đã vắng lặng, trẻ con đi học, người lớn đi làm. Nương rẫy ở xa lắm, con ngựa, con bò… đi trước, còn những dáng người chắc nịch, chăm chỉ phía sau. Anh Vừ Bá Xá cười nói: “Ta nuôi bốn đứa con mà, phải đi làm mới có cái ăn, cho con đi học…”. Câu nói của anh như lẫn vào trong sương, khuất sau mái nhà, thoắt cái, bóng dáng người đàn ông cùng con ngựa chỉ còn là chấm nhỏ di động trên núi cao.

Cũng như nhiều bản người Mông khác của huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn này, Huồi Giảng 1 xưa kia cũng từng là xứ sở của loài hoa anh túc. Người dân trồng, sống và mỏi mòn dần vì thuốc phiện. Nhưng giờ đây, bóng dáng của loài cây ma quái đó đã lùi xa dần, nhường chỗ cho những gốc đào, gốc hồng xanh tốt, cho những vạt đất trồng khoai sọ, và mảnh rẫy cần mẫn bàn tay người Mông trỉa lúa…

Trưởng bản Vừ Bá Gianh cho biết, bản Huồi Giảng 1 có 56 hộ với 340 khẩu. Người Mông quen sống biệt lập trên núi cao, và không ở trộn lẫn với người dân tộc khác. Mọi người coi nhau là anh em một nhà, nên sống đoàn kết, yêu thương nhau. “Việc vi phạm trật tự xã hội, các tệ nạn trộm cắp ở đây hầu như không có”. “Huồi Giảng 1 có diện tích lớn rừng phòng hộ, vì vậy diện tích đất sản xuất, canh tác của bà con ít. Hơn nữa, độ dốc cao, hiểm trở, nên khó khăn cho việc canh tác của bà con, đời sống người Mông nơi đây vẫn vất vả lắm. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, như dự án 30a cung cấp giống bò, giống cây trồng đã tạo ra hướng đi mới, bền vững cho bà con.

Hiện nay, ở Huồi Giảng 1, khoai sọ, hồng không hạt đang được trồng làm hàng hóa. Ngoài ra, dưới tán rừng phòng hộcũng được trồng bo bo, vừa phòng chống cháy rừng, vừa tạo thu nhập cho bà con với khoảng 15.000 đồng/kg. Những gốc đào cổ thụ vào dịp Tết này đang được nhiều khách đến hỏi mua. Người dân nơi đây chỉ bán cành mà không bán gốc, đồng thời hằng năm vẫn tiếp tục trồng thêm đào mới. Bà con cũng được cấp bò giống, chăn nuôi thêm lợn, gà, dê… để phát triển kinh tế.

So với trước kia, cuộc sống người dân bây giờ đã thay đổi rất nhiều, đã có định hướng trong chăn nuôi trồng trọt để đảm bảo cuộc sống. Hơn nữa, con đường từ thị trấn Mường Xén vào Tây Sơn được rải nhựa, đi lại thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, các loại nông sản, hàng hoá dễ tiêu thụ. Nhận thức chung của bà con nơi đây vẫn còn sự ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, nhưng đang từng bước được cải thiện. Chúng tôi rời khỏi Huồi Giảng khi mặt trời đã lên cao, nắng chảy tràn qua những cây đào xuống từng mái nhà gỗ ám đen màu khói, màu sương, nắng thời gian. Dưới nếp nhà ấy, là bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu đời người, và bao nhiêu đổi thay từng bước một…

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành