Đổi thay ở huyện miền núi Ba Chẽ

Ba Chẽ (Quảng Ninh) là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh. Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, đặc biệt là hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đã góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn các xã đặc biệt khó khăn ở huyện. Kết quả lớn đáng ghi nhận là người dân có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Ai từng đến Ba Chẽ chừng hơn chục năm trước hẳn chưa quên được hình ảnh những con đường đất quanh co một bên núi, một bên vực sâu. Những ngôi nhà tạm bợ chẳng đủ che nắng mưa; những cánh đồng xác xơ vì mất mùa… Ngày ấy, Ba Chẽ được trao danh hiệu là địa phương có nhiều “không” nhất trong toàn tỉnh: không đường giao thông, không điện, không trường học, không chợ và không có hệ thống thuỷ lợi. Cuộc sống của nhân dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Sẽ khó lòng có một Ba Chẽ đổi thay như ngày hôm nay nếu như không có những chương trình xoá đói giảm nghèo như 135.

Nhờ sự hỗ trợ của chương trình mà các xã nghèo trong huyện Ba Chẽ đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế... Đến Ba Chẽ hôm nay sẽ thấy niềm vui của đồng bào các dân tộc trước những ngôi trường được xây dựng khang trang, những con đường bê tông trải dài, những dòng nước mát tưới tiêu đến tận các cánh đồng… Đến nay, Chương trình 135 ở Ba Chẽ đã gần hoàn tất giai đoạn II (2006-2010). Nhìn lại thành quả sau những năm thực hiện có thể thấy một Ba Chẽ với diện mạo mới mẻ, đổi thay đang hiện hữu.

Ba Chẽ có 7 xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ (Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Đồn Đạc, Thanh Sơn, Nam Sơn) thì cả 7 đều là xã đặc biệt khó khăn được hưởng lợi từ Chương trình 135 giai đoạn II. Xác định rõ, để phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tạo sự bền vững của chương trình nên huyện đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng theo từng khu vực, vùng kinh tế khác nhau. Trong đó, từ nguồn vốn Chương trình 135 và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn các xã, thôn 135 huyện Ba Chẽ đã tập trung hỗ trợ nhân dân cây trồng, con giống để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây là một hợp phần sản xuất được đầu tư lớn và tạo hiệu quả cao trong quá trình thực hiện. Theo đó, việc hỗ trợ được gắn với đặc thù điều kiện riêng khu vực. Như xã Đồn Đạc, Thanh Sơn người dân được hỗ trợ trồng các loại cây mía tím, ba kích tím, đậu tương… Đối với Lương Mông, Minh Cầm huyện đã hỗ trợ các loại con giống như lợn rừng, tắc kè, nhím… Do thực hiện nghiêm túc, được nhân dân hưởng ứng tham gia nên khi triển khai hỗ trợ trồng đại trà, các giống cây này đã thu được hiệu quả, tạo sự tin tưởng trong nhân dân. Từ nguồn vốn đầu tư phát triển của Chương trình 135 giai đoạn II, huyện đã tập trung hỗ trợ nhân dân mua máy móc phục vụ sản xuất.

Theo thống kê của Uỷ ban nhân dân huyện, trong bốn năm (2006-2009), Chương trình đã hỗ trợ nhân dân các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn 65 thiết bị máy móc gồm có máy cày, máy tuốt lúa, máy bơm nước chống hạn, máy tách hạt… bước đầu giúp nhân dân kịp thời phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135 và vốn lồng ghép Chương trình 135 theo Quyết định số 4162 của Uỷ ban nhân dân tỉnh trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã được triển khai kịp thời và hiệu quả. Đáng chú ý là nhân dân có sự chuyển biến tích cực về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới. Công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đã được quan tâm, đẩy mạnh. Chỉ tính riêng trong năm 2009, huyện đã triển khai xây dựng 18 mô hình khuyến nông và tổ chức 50 lớp tập huấn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, vận hành quản lý máy móc cho trên 2.000 lượt nông dân. Tổng 2 nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135 và Quyết định 4162 trên địa bàn huyện Ba Chẽ đạt 6,31 tỷ đồng. Huyện đã triển khai thực hiện hỗ trợ cho nhân dân trên 78.568 kg giống cây trồng các loại (lúa, ngô, đỗ được, hạt rau…), 963 con lợn giống, 78.320 tấn phân bón, 111 chiếc máy cày, 61 máy bơm nước, 42 máy cắt rau chăn nuôi, 13 máy tách hạt…

Điều đáng mừng là kết thúc năm 2009, trong số 7 xã đặc biệt khó khăn được hưởng lợi từ Chương trình 135 giai đoạn II thì 2 xã Lương Mông, Minh Cầm đã hoàn thành và tự nguyện xin ra khỏi Chương trình này. Có thể nói tới xã Lương Mông, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Ba Chẽ trước đây, nhờ được sự hỗ trợ của Chương trình 135 giai đoạn I, tiếp đến là giai đoạn II, hệ thống điện - đường - trường - trạm đã thay đổi đáng kể. Đặc biệt, từ khi được hỗ trợ phát triển sản xuất, các loại cây, con có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vi Văn Phong, cán bộ văn phòng Uỷ ban nhân dân xã Lương Mông cho biết: Từ khi có sự hỗ trợ của Chương trình 135 Lương Mông có thêm nhiều cơ sở hạ tầng mới được xây dựng. Các công trình thoát nước, vệ sinh môi trường được tu bổ như kênh Đồng Chức, Bãi Liêu, Khe Tráng... đã giúp nhân dân các thôn ổn định và phát triển sản xuất, canh tác được 2 vụ lúa/năm. Không những vậy, người dân ở các thôn còn được hỗ trợ các giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao và nhiều máy móc phục vụ sản xuất, giúp nhân dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất ổn định cuộc sống, xoá đói, giảm nghèo.

Từ sự hỗ trợ của Chương trình 135, sự nỗ lực của chính người dân trong việc tận dụng có hiệu quả các thế mạnh của địa phương nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 42,17% năm 2006 xuống 23,50% năm 2009. Điều đó khẳng định rằng, nếu thiếu đi sự hỗ trợ này thì phải mất nhiều năm hoặc lâu hơn thế, các xã đặc biệt khó khăn ở Ba Chẽ mới có thể thoát khỏi cảnh đói, nghèo.

PV
[TT:T.V.T]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành