Đổi thay ở những xã “sáu không”
Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách cho đồng bào dân tộc, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào Khmer ở huyện Càng Long (Trà Vinh) nên đời sống của bà con dân tộc huyện vùng sâu này ngày càng khởi sắc.
Phương Thạnh (Càng Long), trước đây là xã vùng nông thôn khó khăn, có 29,6% dân số là người dân tộc Khmer, là xã “sáu không”: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không có nhà kê và không có xe đạp. Thế nhưng, từ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, diện mạo phum sóc Phương Thạnh đã được “lột xác”, đời sống của đồng bào dân tộc cũng có bước chuyển biến tích cực.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: “Kết cấu hạ tầng nông thôn ở 3 ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer của xã Phương Thạnh đến nay hoàn chỉnh và khang trang, đời sống người dân ổn định. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 3 – 5%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, văn hóa, giáo dục–đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được chú trọng”.
Theo chân ông Trần Văn Trừ, Trưởng Ban nhân dân ấp Sóc (Huyền Hội, Càng Long) đến thăm gia đình anh Thạch Lắm vừa mới được Nhà nước hỗ trợ 33 triệu đồng theo Quyết định 29 của Chính phủ về hỗ trợ đất ở. Anh Thạch Lắm không giấu được niềm vui: “Hai vợ chồng tôi không đất sản xuất, phải đi làm thuê vất vả, cuộc sống thiếu trước, hụt sau".
Kéo điện thắp sáng cho hộ dân tộc Khmer nghèo ấp Sóc (xã Huyền Hội)
"Nay được Nhà nước hỗ trợ đất ở, gia đình tôi vô cùng phấn khởi. Sắp tới, gia đình tôi sẽ cất được căn nhà mới để che mưa tránh nắng, yên tâm làm ăn”. Được biết, trong thời gian chính quyền địa phương ở Huyền Hội luôn quan tâm hỗ trợ các nguồn vốn sản xuất, xóa nghèo cho người dân. Các hộ đều sử dụng hiệu quả, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, trong đó đời sống người dân Khmer vươn lên phát triển không ngừng.
Diện mạo mới ở huyện vùng sâu Càng Long đã cho thấy hiệu quả của việc thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, các chương trình dự án hỗ trợ cho người nghèo, người dân tộc trên địa bàn. Bà Mai Thị Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Càng Long cho biết: “Thực hiện Quyết định 74 của Chính phủ, Càng Long xét hỗ trợ 1.156 hộ có nhu cầu về đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho 200 lao động người dân tộc Khmer có nhu cầu học nghề để thoát nghèo. Đồng thời triển khai Quyết định 167, huyện đã hỗ trợ 2.344 hộ khó khăn về nhà ở, số tiền 18,284 tỉ đồng.
Trong đó, có 436 hộdân tộc Khmer, số tiền 6,366 tỉ đồng. Ngoài ra, thực hiện Quyết định 29, huyện chỉ đạo cho các xã bình xét 149 hộ có nhu cầu về đất ở, 8 hộ có nhu cầu vay vốn chuộc lại đất ở, 253 hộ có nhu cầu về vay vốn phát triển sản xuất và 22 hộ có nhu cầu về dạy nghề...”.
Được biết, trong năm 2014, huyện Càng Long được trên đầu tư 800 triệu đồng để xây dựng hạ tầng Chương trình 135 giai đoạn 3 và giải quyết đất ở theo Quyết định 29 của Chính phủ cho 83 hộ Khmer nghèo, với tổng số tiền là 2,673 tỉ đồng. Ngoài ra, Càng Long còn thực hiện tốt chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, chương trình mục tiêu quốc gia trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo chung là 10,19% (so năm 2009 là 16%), và tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn 37,4% (so năm 2009 là 42,4%).