Đồng bào Khmer chung tay đổi thay phum, sóc

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã thực sự đổi thay và mang một diện mạo mới. Trong sự thành công ấy, có phần đóng góp không nhỏ của đồng bào dân tộc Khmer.

Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp

Hiện, đồng bào Khmer chiếm khoảng 6% dân số ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với các dân tộc anh em khác trên địa bàn, những năm qua, họ đã nỗ lực chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.

Do đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lúa, hoa màu và cây ăn quả nên việc tham gia xây dựng nông thôn mới đã giúp cho đồng bào được tiếp cận với các phương pháp sản xuất nông nghiệp tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, nhiều hộ đã thực sự thoát nghèo, vươn lên làm giàu và giúp đỡ những hộ xung quanh cùng phát triển kinh tế.

Long Hữu là một trong hai xã của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM vào cuối năm 2014. Để hoàn thành xây dựng NTM, xã Long Hữu đã huy động các nguồn lực gần 190 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 4,5 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương trên 34 tỷ đồng, vốn lồng ghép và vốn doanh nghiệp trên 66 tỷ đồng, đặc biệt nhân dân đóng góp trên 83 tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, nhà ở dân cư, môi trường.

Phát triển cánh đồng mẫu lớn

Điển hình là việc hiến đất đai, cây trái hoa màu để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần vào sự thay đổi lớn cho diện mạo nông thôn, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của xã Long Hữu.

Bà Trần Thị Ngọt, ở ấp 16, xã Long Hữu chia sẻ: “Bây giờ giao thông thuận lợi hơn, trước đây lầy lội lắm, cũng nhờ xây dựng NTM mà bà con hưởng ứng chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng tham gia hiến đất mới xây dựng được những tuyến đường này…”.

Song song với những thuận lợi trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, Ban chỉ đạo xã Long Hữu cho biết nhóm tiêu chí về kinh tế, tổ chức sản xuất; nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tiêu chí thứ 19 về an ninh trật tự được cho là khó đạt với địa phương.

Đặc biệt, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất, nhưng với những giải pháp tích cực, quyết liệt từ những ngày đầu triển khai xây dựng NTM, Đảng ủy xã Long Hữu đã chú trọng tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và cùng tham gia, bởi khi nhận thức, thói quen, tập quán của người dân thay đổi thì công tác bảo vệ môi trường sẽ có hiệu quả.

Hộ Ông Phan Văn Thi, ấp 13 là một tấm gương trong phong trào xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp được Ban chỉ đạo huyện biểu dương

Ông Phan Văn Thi tâm sự: “Tôi là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi nên phải làm gương, trước hết là cho hội viên, sau đó là bà con và con cháu noi theo. Bởi xã Long Hữu đang xây dựng NTM thì mỗi người dân đều phải có ý thức, và trước tiên cần tham gia bảo vệ môi trường, làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc hơn…”.

Để chương trình xây dựng NTM đi vào thực chất hơn, các chương trình phổ biến, đào tạo bằng tiếng Khmer đã được đưa vào thực tế tại các tỉnh, đặc biệt, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp và các thông tin thị trường cũng đã được phổ biến đến tận người dân.

Do đa phần bà con Khmer còn thiếu phương tiện, máy móc, kỹ thuật tiên tiến để sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động nên bằng các cơ chế, chính sách, nhiều địa phương đã có những việc làm thiết thực để giúp đồng bào Khmer xóa bỏ sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ lẻ, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa bà con với nhau, giữa bà con với doanh nghiệp, các nhà khoa học.

Làm đường giao thông liên phum sóc

Từ đó, tình trạng sản xuất mang tính tự phát, manh mún đã dần được khắc phục, người dân tin tưởng vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quyết tâm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đặt ra.

Đồng bào hưởng ứng

Tại các tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang… đồng bào Khmer đã đoàn kết một lòng trong chương trình xây dựng NTM và đã mang lại những tín hiệu tích cực. Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu là một ví dụ sinh động. Sau hơn 3 năm xây dựng NTM, diện mạo của huyện Phước Long đã đổi thay rõ rệt.

Bà con Khmer luôn chung vai sát cánh cùng chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Sự hậu thuẫn đó là sức mạnh to lớn giúp huyện Phước Long thực hiện mục tiêu xây dựng NTM vượt lộ trình đề ra.

Xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long là địa bàn có số lượng người dân tộc Khmer sinh sống đông nhất của huyện Phước Long. Với xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức còn hạn chế nên bước đầu công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng NTM đã gặp nhiều trở ngại. Song, sau một thời gian, phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa rộng khắp.

Bà Lương Nhiên Em, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Đông cho biết, những năm qua, các chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer ở xã đều được triển khai hiệu quả. Chính vì thế, bà con rất ủng hộ cho phong trào xây dựng NTM.

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn, Sóc Trăng cũng đã gặp không ít khó khăn khi huy động sức dân xây dựng NTM, nhờ những biện pháp cụ thể, thiết thực, cùng với công tác tuyên truyền sâu rộng đến với mỗi người dân, nên chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở Sóc Trăng đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Hiện nay, tại những xã NTM ở Sóc Trăng, những căn chòi lá tạm bợ đã được thay thế bằng những căn nhà tường mới xây, kiên cố, khang trang. Tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, nơi có gần 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, đã có 100% người dân đăng ký xóa nhà dột, nhà tạm.

Các mô hình hay, cách làm tốt đã trở thành phong trào tại nhiều vùng nông thôn ở Sóc Trăng. Phần lớn đường giao thông liên xã, liên ấp được xây dựng hoàn chỉnh. Những đường đất lầy lội trước đây được trải nhựa hoặc lót đan bằng phẳng, sạch sẽ, thuận tiện cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, vai trò của người dân trong xây dựng NTM là rất quan trọng. Do đó, cần phải làm sao cho người dân thông suốt chủ trương, hiểu cặn kẽ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, luôn có sự gắn kết giữa cán bộ với người dân, để người dân tin cán bộ, từ đó cùng nhau đăng ký tham gia và hăng hái bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đồng bằng sông Cửu Long có 1.269 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Thời gian qua, các địa phương đã tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi tạo điều kiện phát triển hạ tầng, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn. Nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực góp phần xây dựng nông thôn mới như tỉnh Cà Mau, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang.

Trong thời gian tới, xây dựng NTM khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung giải quyết những khó khăn là “điểm nghẽn” trong xây dựng NTM ở khu vực, nhất là về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tạo chuyển biến đột phá thúc đẩy phát triển chung. 

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành