Động lực đổi đời của đồng bào Khmer
Tỉnh Hậu Giang có khá đông đồng bào Khmer sinh sống, với hơn 26.000 người. Những năm qua, nhờ được thụ hưởng nhiều chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước, nhất là Chương trình 135, đời sống của bà con có nhiều đổi thay.
Giúp dân thoát nghèo
Ông Danh Xà Muol ở
ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo
nhiều năm liền, chỉ có 2 công đất sản xuất nên làm hoài mà không đủ ăn. Rồi nhờ
được cho vay 5 triệu đồng, tôi mua lợn về nuôi cho sinh sản, mỗi năm nhà tôi
cũng lãi được khoảng 20 triệu đồng từ tiền bán lợn giống. Nhờ đó mà gia đình có
tiền trả được nợ và mở rộng quy mô sản xuất, từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo,
cuộc sống ổn định”.
Ông Phạm Hoàng Khâm
– Phó Chủ tịch xã Xà Phiên cho biết: “Hiện đường sá trong xã đã được cải thiện
rất nhiều, không còn lầy lội như trước. Các hộ nghèo thì được hỗ trợ vay vốn
sản xuất với lãi suất thấp, ngoài ra còn hỗ trợ tiền để một số hộ chuộc lại
đất. Đặc biệt, địa phương cũng chú trọng quan tâm hướng dẫn sâu sát đến việc
sản xuất của người dân, nhằm giúp những hộ dân tộc nghèo thoát nghèo bền vững”.
Theo ông Nguyễn
Huỳnh Giao - Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Mỹ, các chương trình, dự án
đầu tư cho đồng bào dân tộc trên địa bàn ngày càng được phát huy hiệu quả, góp
phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các ấp đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có đông
đồng bào dân tộc sinh sống. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3% trên tổng
số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc.
Huy động được sức mạnh cộng đồng
Thông qua các hoạt
động từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tình hình sản xuất nông nghiệp của
các ấp ĐBKK đã có bước phát triển đáng kể. Đồng bào các DTTS đã từng bước thay
thế dần tập quán sản xuất cũ, thu nhập ngày càng được cải thiện.
“Quá trình triển
khai thực hiện chính sách thuộc Chương trình 135 thời gian qua đã huy động được
sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội. Chương trình 135
có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo được sự ổn định và nâng cao đời sống cho từng
hộ đồng bào DTTS, chủ yếu là hộ dân tộc Khmer nghèo, đời sống khó khăn” – ông
Ký Hiếu Thanh – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh.
Tỉnh Hậu Giang hiện
có 8 xã thuộc khu vực II, 4 xã khu vực III và 30 ấp ĐBKK thuộc Chương trình 135.
Năm 2015 tổng nguồn vốn Trung ương đã phân bổ cho tỉnh thực hiện Chương trình
135 giai đoạn III là hơn 8,3 tỷ đồng. Tất cả các dự án của chương trình đều có
sự tham gia tích cực của người dân thông qua các cuộc họp ở ấp, khu vực.