Động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo ở huyện vùng cao Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là một trong 64 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Toàn huyện có 13 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 91%; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác còn lạc hậu. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của trung ương như chương trình 30a, chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới… những chương trình này là động lực, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các xã và người dân trong công tác giảm nghèo; lấy phát triển du lịch, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm là hướng đi phù hợp để người dân phát triển kinh tế. Cùng với đó, tuyên truyền đến chính quyền và nhân dân trong huyện về chính sách, đối tượng thụ hưởng, quyền lợi khi tham gia chương trình để các đối tượng nắm bắt được thông tin, yêu cầu. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các đợt kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ.
Trong năm 2019, huyện Mù Cang Chải đã được chương trình 30a, chương trình 135 hỗ trợ hơn 76 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học; cùng với đó, hỗ trợ người dân về giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất để phát triển kinh tế và hỗ trợ lao động làm việc ở nước ngoài. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống để thoát nghèo bền vững.
Ông Trương Đăng Hùng, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mù Cang Chải cho biết, để giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai đồng bộ các biện pháp, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; hạn chế tái nghèo tập trung đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống an sinh xã hội; nâng cao công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp, cũng như tham gia lao động trong và ngoài nước, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ; hỗ trợ người dân tạo đất sản xuất thông qua khai hoang, tạo ruộng bậc thang; hỗ trợ phát triển các ngành nghề, dịch vụ bằng máy móc, nhà xưởng, thiết bị, vật tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông lâm nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết phát triển sản xuất nông lâm nghiệp giữa các hộ nghèo, hộ cận nghèo với doanh nghiệp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng.
Nhờ thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân, đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải từng bước nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo, chuyển hình thức tự cung tự cấp sang hình thức sản xuất hàng hóa. Biết gắn sản xuất nông lâm nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp với dịch vụ du lịch như ruộng bậc thang trồng các loại cây cải dầu và trồng lúa; sản phẩm thổ cẩm và một số đặc sản thịt trâu, lợn sấy, mật ong cũng được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng… Đến nay, một số mô hình mang lại hiệu quả như: trồng cây sơn tra (táo mèo), chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê, lợn bản địa), nuôi gà đen, nuôi ong lấy mật…
Qua đó, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 của huyện Mù Cang Chải đạt khoảng 500 tỷ đồng, cuộc sống người dân trong huyện đã ổn định hơn, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cao. Trên cơ sở đó, năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Mù Cang Chải giảm được 11,04%, vượt 2,3% kế hoạch đề ra.
Xã La Pán Tẩn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, với 99% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, xã cũng nhận được nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và huyện. Hàng năm xã chủ động tuyên truyền người dân thay đổi hình thức canh tác, chú trọng hơn đến việc đầu tư thâm canh; rà soát những hộ nghèo được hưởng chế độ để hỗ trợ người dân về vốn, máy sản xuất nông nghiệp, giống cây, con...
Ông Hảng Xáy Chông, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết, trước đây người Mông luôn có suy nghĩ bằng lòng với cuộc sống hiện tại, qua tuyên tuyền vận động của chính quyền địa phương, hiện nay người dân đã dần chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa; trồng cây có năng suất cao, chăn nuôi với quy mô lớn để đưa ra thị trường như trồng lúa, ngô, sơn tra, thảo quả và chăn nuôi dê, trâu, lợn; một số hộ gia đình phát triển du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả. Từ đó, tạo bước chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Năm 2019, tỷ lệ giảm nghèo toàn xã đạt 11%, tương đương 104 hộ nghèo, vượt 3% theo kế hoạch; thu nhập bình quân của người dân đạt 15 triệu đồng/người/năm. Hiện tại hộ nghèo toàn xã còn 333/857 hộ toàn xã, phấn đấu năm 2020 giảm 10%.
Anh Hờ A Dì, bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn chia sẻ, năm 2018 được sự hỗ trợ vay vốn từ các chương trình giảm nghèo, anh mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi dê, nuôi nhím và trồng chanh không hạt. Đến nay anh có hơn 60 con dê, 40 con nhím và 300 cây chanh không hạt. Bước đầu mô hình nuôi dê đã bắt đầu cho thu nhập, mỗi năm anh xuất bán được 3-4 lần, trung bình một con dê bán ra được khoảng từ 2-4 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Còn anh Hờ A Cả, bản Tà Chí Lừ tâm sự, gia đình anh là một trong những hộ nghèo của xã, năm 2019 anh được hỗ trợ một máy cày bừa, từ khi được hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp vợ chồng anh đỡ vất vả hơn. Ngoài việc phục vụ cho gia đình, anh còn đi bừa thuê để tăng thêm thu nhập.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy chính quyền và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nâng cao ý thức tự thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo; thực hiện đồng bộ các tiêu chí giảm nghèo đa chiều bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, huy động lồng ghép các nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Cùng với đó, tập trung giúp đỡ hộ nghèo, quan tâm hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo; nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân vươn lên thoát nghèo, tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới…
(dantocmiennui.vn)