Đưa cây màu vào đất đồi vệ - Hướng thoát nghèo

Việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp, đa dạng hóa cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng đất là một trong những cách làm mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông dân. Để khai thác tiềm năng đất đai, nông dân ở những vùng không đủ nước trồng lúa đã chuyển sang trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để mô hình này ngày càng phát triển thì người dân cần hơn nữa sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự liên kết "4 nhà" để cây màu ngày càng bền vững...

Nói về hiệu quả từ việc chọn cây dưa hấu, bí xanh... thay thế cho cây lúa vụ mùa trên đất đồi vệ, bà con nông dân thôn Hội Lâm và thôn Hạ Du (xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn) khẳng định trồng màu cho thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa. Thực tế trong nhiều năm qua đã có nhiều diện tích lúa vụ mùa trên đất đồi vệ bị thiệt hại do khô hạn, nên bị mất trắng. Mấy năm trở lại đay bà con đưa cây dưa đỏ, dưa chuột hay bầu, bí vào trồng phấn khởi vì trúng mùa, được giá.

Ông Trần Quốc Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Sơn tiết lộ: “Mấy năm nay, chủ trương của xã đưa cây màu vào trồng trên đất đồi vệ, thay cho cây lúa, chủ yếu là trồng dưa hấu. Thời gian chỉ 50-55 ngày kể từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch xong, mỗi héc ta cho thu hoạch 50-60 triệu đồng, gấp 5-7 lần trồng lúa. Đã nhiều năm nay năm nào cũng thu về cho bà con trong xã hàng tỷ đồng nhờ chuyển đổi, đưa cây màu xuống đất đồi vệ”.

Bà con thôn Hội Lâm cho biết: Bắt đầu vào tháng 1, bà con đánh đất thành luống trồng bí xanh, dưa chuột, bí đỏ... sau gần 3 tháng cho thu hoạch. Với giá bí xanh thời điểm này từ 8.500 - 10.000 đ/kg, trừ chi phí còn thu lãi khoảng 45 triệu đồng. Sau khi thu hoạch bí xong họ tiếp tục trồng dưa hấu. Sau dưa hấu thu hoạch lại đưa cây cà, cây cải vào thay thế. Cứ quay vòng như thế, nếu thời tiết thuận hoà, một năm cho 4 vụ ăn chắc. Một ha đất đồi vệ bây giờ có thể thu 150 - 200 triệu đồng/ha.

Đưa cây màu xuống ruộng ở những vùng đất khó khăn được xem là cách làm hay của bà con. Để giúp bà con tiến hành sản xuất thắng lợi, cán bộ khuyến nông phải thường xuyên mở các lớp tập huấn cách thức chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cách phòng trừ dịch bệnh. Và điều quan trọng là phải làm thay đổi tập quán sản xuất cũ, vì trồng màu đòi hỏi bám đồng, bám vụ nhiều hơn trồng lúa.

Từ mô hình đưa màu vào đất đồi vệ ở Cẩm Sơn đã được nông dân ở các xã lân cận như Đỉnh Sơn, Tường Sơn hay Bồng Khê, Chi Khê (Con Cuông) làm theo có hiệu quả. Riêng diện tích gieo trồng hoa màu của xã Cẩm Sơn đã lên đến hàng trăm ha.

Như vậy, có thể thấy việc áp dụng mô hình đưa màu vào đất đồi vệ ở những vùng có điều kiện khó khăn tại nhiều địa phương trong vùng trung du, miền núi thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Với mô hình luân canh cây màu đem lại nguồn thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha/vụ đã đưa giá trị sử dụng đất đồi vệ đến mức siêu lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/ha/năm.

Một điều quan trọng là, đưa cây màu vào đất đồi vệ vừa làm thay đổi tập quán, làm cho con người siêng năng hơn, giảm được nhiều thời gian nhàn rỗi, vừa đem lại thu nhập cao. Đây vừa là giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa là cách để nông dân không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất khô hạn. Trước mắt cần tổ chức tập huấn cho người dân. Những địa phương chưa làm được nên tổ chức cho bà con nông dân đến tận nơi tham quan học tập, nhằm từng bước nhân rộng mô hình đạt hiệu quả cao, để cho bà con tận mắt thấy, trực tiếp làm và học làm theo bằng được.

Bên cạnh đó, việc áp dụng đưa cây màu vào đất đồi vệ còn giúp cải tạo đất, đất giữ được độ tơi xốp, màu mỡ, hạn chế việc bỏ đất hoang hoá do khô hạn, thiếu nước. Các cấp, ngành cần tư vấn cho nông dân về đầu ra để sản xuất bền vững.

( Theo baonghean.vn)

[TT : LPM]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành