Được cấp đất sản xuất, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận luôn xác định cấp đất sản xuất cho đồng bào là một trong những giải pháp quan trọng để đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Khác với hình ảnh con đường đất nhão nhẹt, mưa lầy lội trước đây, hôm nay lên các xã vùng cao Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ thuộc huyện Hàm Thuận Bắc đường nhựa phẳng lỳ. 2 bên đường là những ngôi nhà mái ngói xây kiên cố đan xen những nếp nhà truyền thống của đồng bào. Tại xã miền núi Đông Giang, từ một xã nghèo có khá nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống du canh, du cư; trình độ sản xuất lạc hậu, theo phương thức kinh tế tự cấp, tự túc. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cộng với đức tính cần cù, chịu khó, nhiều đồng bào nơi đây đã vươn lên làm giàu, góp phần làm thay đổi đời sống gia đình và diện mạo thôn xóm. Xã Đông Giang mỗi ngày như “khoác áo mới” từ cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, những dịch vụ buôn bán, các cửa hàng tạp hóa, quán ăn, tiệm internet… mọc lên ngày càng nhiều.
Chúng tôi gặp ông K’Văn Thinh – một trong những hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã Đông Giang. Từ những ngày đầu được cấp đất sản xuất, ông Thinh đã mạnh dạn đầu tư trồng 2 ha cao su, 4 ha bắp, 2 ha điều. Sau nhiều năm miệt mài làm lụng vừa học hỏi những kinh nghiệm sản xuất thông qua các buổi tập huấn của xã, huyện tổ chức nên các cây trồng đều đạt năng suất, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. “Để có cái ăn cái mặc không cách nào khác phải chăm chỉ làm lụng bằng chính sức lao động của mình, không thể cứ trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Còn nhớ khi mới bắt tay trồng cây cao su, bắp cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kỹ thuật sản xuất, ảnh hưởng của thời tiết, thiếu vốn… nhưng rồi tôi luôn tự nhủ phải quyết tâm làm cho bằng được”, ông K’Văn Thinh trải lòng.
Cũng như ông Thinh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hàm Thuận Bắc phát huy hiệu quả nhờ có đất sản xuất, từ đó hạn chế được tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Theo UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, huyện đã hoàn thành giao đất sản xuất cho 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 xã Đông Giang và La Dạ với tổng diện tích 22,717 ha. Đến nay, toàn huyện đã có 83,3 ha đất được giao cho 145 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất; trong đó, 42 ha cho 75 hộ ở xã Đông Giang và 41,3 ha cho 70 hộ ở xã La Dạ.
Toàn tỉnh hiện có 35 dân tộc anh em cùng sinh sống với tổng dân số 289.685 hộ/1.271.136 khẩu sống xen kẽ và hình thành một số thôn, xã thuần hoặc xen ghép đồng bào Raglai, K’ho, Chăm, Tày, Nùng… ở các địa bàn vùng cao của tỉnh. Trong những năm qua, thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số 4.824,24 ha/4.516 hộ, nâng tổng diện tích đất canh tác hiện có trên 15.281 ha/14.279 hộ. Qua đó, một số vùng đã hình thành khu vực chuyên canh cây trồng như vùng chuyên canh cây cao su ở xã La Dạ, chuyên canh cây lúa ở xã Phan Hòa…
Báo Bình Thuận