EVN góp sức xóa đói nghèo
Với mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách trình độ phát triển giữa các vùng, miền, triển khai Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo nhất nước thuộc 20 tỉnh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia.
Theo phân công của Chính phủ, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) được giao hỗ trợ ba huyện nghèo của tỉnh Lai Châu là: Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên.
Theo khảo sát, dân số ba huyện nêu trên khoảng 160 nghìn người, hơn 30 nghìn hộ dân, trong đó tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ khá cao: Than Uyên 50,9%, Tân Uyên 41%, Phong Thổ 53,98%. Do điều kiện khí hậu khu vực này rất khắc nghiệt vào mùa mưa bão nên hệ thống giao thông chỉ mới bảo đảm đến hầu hết các xã vào mùa khô. Mặc dù điện lưới đã tỏa đến hầu hết trung tâm huyện, xã, tuy nhiên tính tới thời điểm hiện nay, tổng số hộ dân được sử dụng điện chỉ đạt khoảng 37% do đặc thù dân cư miền núi sống rải rác không tập trung. Ðiều này cũng là nỗi trăn trở của ngành điện Lai Châu, vì vậy phát triển, mở rộng lưới điện nông thôn là mục tiêu rất quan trọng, chiếm tỷ lệ chi phí hỗ trợ lớn nhất dự kiến 250 tỷ đồng và đến năm 2012, phấn đấu từ 75% đến 90% hộ được sử dụng điện. Ngoài ra, EVN còn hỗ trợ các khoản chi phí cho việc quản lý vận hành bán điện sau đầu tư do chi phí mua điện của các hộ dân quá thấp (có hộ chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/tháng và ở quá xa các khu dân cư huyện, xã) so với chi phí quản lý vận hành bán điện trên địa bàn, các hộ dân được mua điện trực tiếp từ công ty điện lực và hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ cho các hộ nghèo.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc đưa điện về vùng sâu, vùng xa là trách nhiệm của ngành điện. Ngoài ra, EVN sẽ triển khai nhiều gói hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, không chỉ riêng ba huyện nghèo mà còn toàn tỉnh Lai Châu. Trước hết, tập trung xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, gia đình chính sách theo hai hình thức hỗ trợ: hỗ trợ xây dựng 16 căn nhà với diện tích khoảng 24 m2, chi phí khoảng 40 triệu đồng/căn và kết hợp các hộ dân tự xây dựng kèm theo hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà để xây dựng nhà có đủ ba yếu tố "nền cứng, khung cứng, mái cứng", tổng số nhà dạng này khoảng 1.400 căn.
Loại đối tượng nữa cũng rất được quan tâm là học sinh, sinh viên, hiện nay EVN tập trung xây dựng khoảng 21 nhà bán trú dân nuôi tại các trường trung học cơ sở với kinh phí khoảng 250 triệu đồng/nhà và một trường dân tộc nội trú cho huyện Tân Uyên có chi phí khoảng 15 tỷ đồng. Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Than, huyện Than Uyên Trần Xuân Phương cho biết, hiện trường có khoảng 351 học sinh, khoảng từ 30 đến 40 học sinh có nhu cầu ở bán trú và số lượng này tăng hằng năm do còn nhiều học sinh đang thuê nhà gần trường, hơn nữa việc đi lại của học sinh rất khó khăn, nhiều học sinh ở cách trường từ 7 đến 10 km và trong mùa bão lũ thì không thể theo học thường xuyên. Việc xây dựng nhà, trường nội trú sẽ giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, từng bước nâng cao dân trí, xóa bỏ dần dần những hủ tục lạc hậu, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Hơn nữa, khi các em tốt nghiệp sẽ được EVN tiếp tục đào tạo nghề và bố trí việc làm phù hợp.
Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam luôn coi việc tham gia chương trình hỗ trợ huyện nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng và đã được phổ biến rộng rãi trong toàn tập đoàn với mong muốn chung tay giúp đỡ người nghèo sớm thoát khỏi đói nghèo, ổn định cuộc sống.
Xuân Thủy
(Theo Nhân dân điện tử)
[TT: N.T.V]