Ghi nhận những thay đổi tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo tại tỉnh Bắc Giang
Bắc Giang là tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên là 3.822 km2; có 09 huyện, 1 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 vùng cao, với 230 xã, phường, thị trấn, 182 xã miền núi (trong đó có 47 xã vùng cao). Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú tập trung ở 105 xã, thị trấn thuộc 6 huyện miền núi, vùng cao: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên.
Toàn tỉnh có 30 xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) và 97 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc 32 xã, thị trấn khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II.
Thực hiện Chương trinh 135 giai đoạn II, tỉnh được Trung ương cấp tổng số vốn là 266.159 triệu đồng, trong đó: dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất 37.060 triệu đồng; dự án phát triển cơ sở hạ tầng 161.600 triệu đồng; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng 11.470 triệu đồng; chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện đời sống nhân dân và trợ giúp pháp lý 47.397 triệu đồng; duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư là 7.523 triệu đồng; kinh phí dành cho Ban chỉ đạo các cấp là 991 triệu đồng. Cho đến nay, tỉnh đã thực hiện đầu tư xây dựng 462 công trình; duy tu bảo dưỡng 190 công trình; hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình, giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất, chế biến bảo quản sản phẩm; mở được 42 lớp tập huấn cho cán bộ xã, trên 450 lớp tập huấn cho cộng đồng với 44.323 lượt người tham gia và 93 lớp dạy nghề cho 2780 thanh niên người dân tộc thiểu số; hỗ trợ 29.703 lượt học sinh con hộ nghèo đi học; hỗ trợ 13.830 hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường.
Những đổi thay to lớn trên địa bàn tỉnh đã được ghi nhận: đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc miền núi đã được cải thiện đáng kể, cơ cấu kinh tế trong vùng bước đầu đã có sự chuyển dịch theo hướng hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; hình thành vùng cây ăn quả với trên 48000 ha, trong đó cây vải chiếm diện tích 37.000 ha. Chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp; lâm nghiệp đã trở thành nghề cụ thể và xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao mức sống của đồng bào được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi giảm còn 23%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn là 46,8%, bình quân giảm 4-5%/năm; 100% số hộ dân tộc thiểu số nghèo được xóa nhà tạm. Đồng bào dân tộc miền núi trong tỉnh đã nhận thức được vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn.
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi gắn với xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2005 và giai đoạn 2006-2010; cùng với các chương trình chính sách khác của Đảng, Nhà nước được triển khai đồng bộ và có hiệu quả trên địa bàn đã góp phần tạo điều kiện cho kinh tế khu vực miền núi, vùng dân tộc trong tỉnh có bước phát triển khá, đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Giang càng thêm tin tưởng vào đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đoàn kết chung tay phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, góp phần vào sự nghiệp vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
[Ban Biên tập]