Giảm nghèo bền vững - Nhìn lại một chặng đường: Nhận diện yếu tố then chốt
Để giảm nghèo bền vững, ngoài nguồn lực của Nhà nước thì ý thức tự vươn lên của người dân là yếu tố then chốt. Nhưng đây là vấn đề không dễ thực hiện, nếu các địa phương không có cách làm sáng tạo; thậm chí nếu không cứng nhắc sẽ rơi vào tình trạng chín ép
Niềm tin
Báo Dân tộc và Phát triển số 1640, ra ngày 17/7 đã đề xuất đưa tiêu chí về văn hóa hay đạo đức vào chuẩn nghèo giai đoạn mới. Việc áp dụng tiêu chí này nhằm khuyến khích ý thức tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại của người nghèo, từ đó nâng cao hiệu quả của các chính sách giảm nghèo.
Mặc dù yếu tố văn hóa hay đạo đức rất khó định lượng, nhưng việc đưa tiêu chí này vào đánh giá, rà soát hộ nghèo có thể thực hiện được, thuận lợi nhất là ở các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đang xây dựng NTM nâng cao, tiến tới kiểu mẫu. Bởi ở những địa bàn này, quyết tâm “xóa trắng” hộ nghèo không chỉ là nhiệm vụ, mà đã được củng cố thành niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân.
Như ở ấp 2, xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau), năm 2015, khi xã “về đích” NTM, ấp vẫn còn 9 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo. Đây đều là những hộ nghèo “bền vững”. Nhưng đến thời điểm này, ấp không còn hộ nghèo, chỉ còn 2 hộ cận nghèo.
Theo Bí thư Chi bộ ấp 2, ông Mai Văn Hướng, trong công tác giảm nghèo, nguồn lực hỗ trợ là quan trọng, nhưng then chốt là làm thế nào để hộ nghèo tin rằng mình có thể thoát được nghèo. Nguyên nhân nghèo thì rất đa dạng: Không có lao động, không đất sản xuất, thiếu vốn, hoàn cảnh bệnh tật… Do đó, cán bộ làm công tác giảm nghèo tại cơ sở phải sàng lọc, phân loại để có cách tuyên truyền, vận động cũng như thực hiện hỗ trợ trúng nhu cầu của hộ nghèo.
Đặc biệt, không ít hộ sau khi thoát nghèo, không còn hưởng những chính sách hỗ trợ nên sẽ có tâm lý “hụt hẫng” nhất định. Nếu không có ý thức vươn lên mạnh mẽ, thì hộ nghèo rất dễ buông xuôi, thậm chí còn tâm lý chán nản, so sánh. Vì vậy, chính quyền cấp cơ sở cần tiếp tục giúp đỡ để hộ vừa thoát nghèo ổn định, vươn lên.
Và ý chí
Những năm qua, hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi ngoài được hưởng lợi từ hai chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững) thì còn được thụ hưởng những chương trình, chính sách đặc thù. Chỉ tính hỗ trợ bằng tiền (hoặc hiện vật), theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội (KT-XH) 53 DTTS năm 2019 của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc được công bố tháng 7 vừa qua, đã có 1,2 triệu hộ DTTS (chiếm 36,9% tổng số hộ DTTS cả nước) được thụ hưởng.
Vậy nhưng, “lõi nghèo” cả nước hiện vẫn là vùng DTTS và miền núi. Theo kết quả điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi hiện vẫn cao gấp 3,5 lần so với tỷ lệ chung toàn quốc; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực biên giới vẫn ở mức 48,4%, cao gấp 1,5 lần so với khu vực khác.
Ngoài các yếu tố khách quan (thiên tai địch họa, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, địa hình chia cắt, tập quán sản xuất lạc hậu…), thì không thể phủ nhận vẫn còn một bộ phận người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách. Điều này khiến nguồn ngân sách bố trí cho giảm nghèo vùng DTTS và miền núi như “muối bỏ biển”.
Trong Dự thảo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dự kiến chuẩn nghèo về thu nhập sẽ được nâng lên khoảng gần 1,6 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, cao gấp đôi so với hiện nay. Điều này tất yếu sẽ dẫn tới gia tăng số hộ nghèo cả nước.
Trong khi đó, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt 78,30% so với giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, cùng với nỗ lực thực thi chính sách của các bộ, ngành, địa phương thì ý thức, nghị lực, quyết tâm vươn lên của người nghèo phải được xác định là yếu tố then chốt trong giảm nghèo bền vững.
(baodantoc.vn)