Giảm nghèo bền vững - Nhìn lại một chặng đường: Bất cập trong rà soát hộ nghèo
Sau 5 năm (2016 - 2020) thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kết quả giảm nghèo của nước ta đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS vẫn còn rất cao; trong khi đó việc xây dựng và thực thi chính sách giảm nghèo nói chung còn có những “lỗ hổng” nhất định.
Giảm nghèo theo thành tích!
Giai đoạn 2016 - 2020, theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội khóa XIII, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo được giao là 1 - 1,5%/năm. Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các địa phương đã tích cực triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ để giảm nghèo nhanh.
Trong 3 năm đầu (2016 - 2018), theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt 1,55%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, năm 2019, kết quả giảm nghèo có phần chùng xuống, khi chỉ giảm được khoảng 1,3% số hộ nghèo so với cuối năm 2018.
Sự chùng xuống về giảm nghèo trong năm 2019 cần được xem là cơ hội để đánh giá lại kết quả giảm nghèo của những năm trước đó một cách thực chất. Bởi thực tế, năm 2019, nguồn lực bố trí cho giảm nghèo cao hơn rất nhiều so với 3 năm trước (2016 - 2018), nhưng kết quả lại thấp hơn.
Cụ thể, trong năm 2019, ngân sách Trung ương bố trí hơn 10,4 nghìn tỷ đồng cho các chính sách giảm nghèo. Còn trong 3 năm trước đó, ngân sách Trung ương chỉ bố trí được gần 21,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 7,2 nghìn tỷ đồng/năm.
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này có một phần do khâu thực thi chính sách của các địa phương. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương đều áp chỉ tiêu cho chính quyền cơ sở. Vì vậy mới có thực trạng, một số địa phương chạy theo thành tích; thậm chí có địa phương còn “sáp nhập” hộ nghèo để kết quả giảm nghèo thêm ấn tượng.
Như thôn Thành Thượng, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), trong sổ hộ khẩu năm 2019, thôn có 15 hộ nghèo. Nhưng danh sách công nhận hộ nghèo của xã chỉ còn 8 hộ, do 7 hộ còn lại bị “ghép” vào hộ khác. Đơn cử, gia đình ông Nguyễn Văn Oai (53 tuổi), vợ là Mai Thị Hằng (46 tuổi) là hộ nghèo của thôn. Nhưng cuối năm 2019, vợ chồng ông Oai bỗng dưng trở thành “con” của bà Lê Thị Chinh (65 tuổi), cùng có tên trong Giấy chứng nhận hộ nghèo do bà Chinh làm chủ hộ!.
Hạn chế từ công cụ đo lường
Cùng với “căn bệnh” thành tích, thì kết quả rà soát hộ nghèo chưa được phản ánh đúng thực chất một phần do bộ công cụ đo lường. Giai đoạn 2016 - 2020, việc rà soát hộ nghèo được áp dụng bộ tiêu chí đo lường đa chiều. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, bộ tiêu chí này đã bộc lộ quá nhiều bất cập.
Đầu tiên là cách tính toán thang điểm chưa chính xác, chưa tính đến các điều kiện thực tế. Chẳng hạn như: 1 xe máy trị giá 5 triệu đồng cũng bằng xe máy giá 50 - 60 triệu đồng (được chấm 20 điểm); hộ có 1 con gà bằng hộ có 49 con gà (5 điểm); hộ có 1 con lợn bằng hộ có 4 con lợn (5 điểm)…
Hạn chế lớn nhất của bộ tiêu chí chấm điểm hộ nghèo hiện hành là tạo điều kiện cho không ít hộ tìm cách để trở thành hộ nghèo. Thực tế, không thiếu trường hợp người dân cố tình giấu tài sản, chuyển nhượng hoặc bán đi để giảm điểm; hoặc hộ có khả năng nhưng không xây nhà, không mua sắm tài sản, dẫn đến số điểm chấm đạt thấp và đương nhiên, họ thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo.
Những hạn chế trong bộ công cụ đo lường nghèo đa chiều đã được nhận diện. Bộ LĐTB&XH đang xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới giai đoạn 2021 - 2050, với những tiêu chí cao hơn, trong khi nguồn lực dành cho các chính sách giảm nghèo giai đoạn tới lại giảm đi.
(baodantoc.vn)