Giảm nghèo không theo tư duy nhiệm kỳ
Triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm nghèo nhanh, bền vững cho 61 huyện thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ nghèo trên 50% (NQ30a/NQ-CP ngày 27/12/2008), tỉnh Hà Giang là địa phương sớm hoàn thiện việc triển khai các đề án giảm nghèo cho 6 huyện: Yên Minh, Quảng Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, Hoàng Su Phì và Xí Mần. Lấy xã làm động lực, hộ nghèo là chủ thể triển khai giảm nghèo nhanh, bền vững - là phương châm chỉ đạo của tỉnh Hà Giang.
* Xã là động lực, hộ nghèo là chủ thể
Ngay từ năm 1998- thời điểm triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia Xoá đói giảm nghèo và Việc làm ( XĐGN-VL), chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn (CT 135), Hà Giang đã chủ động đột phá bằng những chương trình đầu tư: "Đại công trường giao thông nối tỉnh - huyện - xã nghèo, tăng cường cán bộ có kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất về các xã ĐBKK", "Chương trình hạ sơn giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao khó khăn đất sản xuất"; " mô hình trợ giúp hộ nghèo dân tộc thiểu số có một mái nhà, bể nước, con bò". Hướng mạnh về cơ sở, trợ giúp hộ nghèo ở các xã phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo - Là những kinh nghiệm thực tiễn để Hà Giang triển khai thành công NQ 30a của Chính phủ.
Đề án giảm nghèo của Yên Minh đã chọn các phương án đầu tư giúp các xã đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai hoang, trồng rừng, chú trọng yếu tố thay đổi tư duy canh tác cũ của người dân. Theo ông Hoàng Văn Vịnh, Chủ tịch UBND huyện, đây là bước đi quan trọng, bởi "không thay đổi nếp suy nghĩ cũ từ người dân, và cả đội ngũ cán bộ từ huyện xuống tới thôn bản, thì vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào trợ giúp từ Nhà nước dài dài". Trước đó, để XĐGN có hiệu quả, Yên Minh đã lựa chọn một số xã có điều kiện tương đối thuận lợi để đầu tư mạnh nhằm phát triển kinh tế, nhằm tạo ra "vết dầu loang" giúp các xã khó khăn khác. "Đầu tư hạ tầng điện, đường , trường, trạm; xây dựng mỗi xã thành một trung tâm thương mại để tiêu thụ nông sản; đồng thời phân vùng sản xuất để từng bước hình thành các vùng chuyên canh" - ông Vịnh cho biết.
* Loại bỏ tư duy giảm nghèo theo nhiệm kỳ
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô, cho rằng: "Để giảm nghèo bền vững ở 6 huyện, bản thân địa phương cần phát huy mọi lợi thế sẵn có, chủ động sáng tạo lồng ghép các chính sách dự án KT-XH từ nguồn lực đầu tư của NQ 30a". Ông yêu cầu các Sở ngành chức năng của tỉnh cần rà soát, tính toán lại kỹ càng hạng mục đầu tư của các huyện, cái nào hiệu quả mới quyết định đầu tư, không đầu tư dàn trải.
"NQ 30a của Chính phủ là chương trình đầu tư dài hơi(2009-2020), do vậy trước khi thực hiện cần tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn từ các chương trình giảm nghèo, CT 134,135 trong nhiều năm qua, tại sao nguồn lực, tài chính đổ nhiều mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao? Không thể theo tư duy giảm nghèo theo nhiệm kỳ 5 năm, 10 năm, rồi khi kết thúc chương trình nhìn lại vẫn thấy địa phương mình còn đông hộ nghèo???. "NQ 30a cần phải hiểu là "cú huých" cuối cùng từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước để Hà Giang vươn lên thoát khỏi tỉnh nghèo, chứ không phải là chính sách theo Nghị quýêt, tư duy nhiệm kỳ.."- Chủ tịch Nguyễn Trường Tộ khẳng định.
Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Cục trưởng Cục BTXH, 6 huyện nghèo của Hà Giang triển khai lập Đề án phát triển KT-XH giảm nghèo, bền vững, nhanh so với yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, các Sở, ngành của tỉnh và UBND huyện cần rà soát lại các hạng mục đầu tư, chú ý các chính sách dạy nghề tạo việc làm tại chỗ và đi làm việc ở nước ngoài; chính sách ưu đãi luân chuyển cán bộ về xã nghèo; tập trung hỗ trợ hộ nghèo vay vốn xoá nhà tạm ngay trong năm 2009. "Đề án giảm nghèo là để thực thi ngay theo yêu cầu của Chính phủ, do vậy các chỉ tiêu cần mang tính định lượng, không nên đề ra theo Nghị quyết phát triển KT-XH theo nhiệm kỳ của UBND các huyện. Khâu thực hiện cần chú trọng ưu tiên khai hoang sản xuất, hỗ trợ nhận khoanh nuôi trồng rừng, để hộ nghèo sống được bằng nghề rừng...- ông Đàm nhấn mạnh.
Minh Hoàng
(Theo: Xóa đói giảm nghèo chuyên đề DTTSMN số 6/2009)
[TT: N.T.V]