Giảm nghèo nhanh từ nguồn vốn 135 ở Thạnh Trị
Đồng chí Phạm Văn Đâu - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cho biết: “Từ khi có nguồn vốn của Chương trình 135, người dân ở Thạnh Trị rất phấn khởi vì các công trình, dự án đã giúp đồng bào từng bước thoát nghèo nâng cao mức sống, đặc biệt việc đi lại và giao thương nông sản nhanh chóng, điều kiện sản xuất, ngành nghề được mở rộng”. Đến nay, gần 100% số xã trong huyện có đường giao thông đến trung tâm xã và tỏa về các khu dân cư, trên 60% có trường học kiên cố, 100% xã có nhà văn hóa và trạm y tế, số hộ nghèo chỉ còn 17, 53%...
Nếu ai đã từng đến xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) vào thời điểm năm 1999 mới thấy hết ý nghĩa của những đổi thay từ Chương trình 135 mang lại. Toàn xã có 1.305 hộ/ 7.880 khẩu, dân tộc Khmer chiếm trên 51%. Trước đây, về giao thông, Lâm Kiết chỉ có con đường duy nhất để ra chợ Nhu Gia, nhưng chỉ đi được vào mùa khô, còn mùa mưa thì phải đi bằng xuồng, ghe vì đường rất nham nhở, trơn trượt. Người dân ở vùng này chỉ sản xuất được một vụ lúa năng suất bấp bênh vì chủ yếu lệ thuộc vào nước mưa. Điều kiện sản xuất và đi lại của người dân Lâm Kiết luôn gặp khó khăn. Vì thế Lâm Kiết có gần 50% hộ nghèo và xã được xếp vào diện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Từ năm 2000 đến nay, nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135 về Lâm Kiết trên 7 tỷ đồng, xã giành 90% số vốn này làm đường giao thông và thủy lợi, còn 10% giành cho trợ giá, trợ cước, hỗ trợ sản xuất để cải thiện đời sống. Để chống trơn trượt cho toàn bộ các ấp trong xã, các con đường nhựa và bê tông được thực hiện nối liền từ xã tới các ấp dài gần 20km và làm nhiều kênh thủy lợi nội đồng. Riêng giai đoạn II, xã được đầu tư 3,657 tỷ đồng thực hiện 11 công trình (giao thông, chợ, cầu cống, kênh thủy lợi, bờ kè, phòng học ở các điểm chính và điểm lẻ...). Đến nay, không chỉ đến Nhu Gia mà Lâm Kiết còn có các con đường về xã Lâm Tân (theo hướng chùa Tà é), huyện lộ 5 xẻ đồng giúp Lâm Kiết xích gần hơn với Vĩnh Thành, Thạnh Trị, Lâm Tân, Vĩnh Lợi, Châu Hưng. Bên cạnh đó, nguồn thủy lợi khép kín đã cung cấp nguồn nước giúp nông dân làm 2 vụ lúa tăng vụ màu nâng thêm mức thu nhập, tỷ lệ nghèo giảm mỗi năm từ 3 - 4%, (năm 2006 xã có 32,5% hộ nghèo thì nay giảm còn 19,2%).
Đồng chí Phạm Văn Vọng - Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch kiêm Thường trực Chương trình 135 huyện phấn khởi: “Từ năm 2006 đến nay, Thạnh Trị tiếp tục được đầu tư nguồn vốn 135 (giai đoạn 2) cho 6 xã đặc biệt khó khăn và 2 ấp khó khăn thuộc xã khu vực II với tổng nguồn vốn 35,053 tỷ đồng để thực hiện 4 hợp phần, trong đó có trên 27,497 tỷ đồng giành cho xây dựng cơ sở hạ tầng; 6,271 tỷ hỗ trợ sản xuất và các dự án nâng cao năng lực của cán bộ và cộng đồng; cải thiện nâng cao đời sống và trợ giúp pháp lý”. Để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đúng mục đích, huyện thành lập Ban Quản lý dự án bao gồm các ngành chuyên môn tham gia và có sự giám sát của người dân, các công trình đều phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư và khi đưa vào xây dựng đều được thông báo quy hoạch, công khai dân chủ các danh mục, vốn đầu tư, quy mô... Bằng cách làm này, những công trình của chương trình đều được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, huyện đã hoàn thành được 54,54 km đường giao thông; 7 công trình cầu, cống, 8,5 km kênh thủy lợi, 2 phòng học mẫu giáo, 4 công trình chợ, 1 nhà văn hóa xã và 2 con lộ nông thôn. Hiện đang thực hiện 20 km giao thông nông thôn, 2 cầu cống, nạo vét kênh 5 km và xây một nhà lồng chợ, phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn thành đúng kế hoạch. Vốn là huyện có hơn 80% dân số sống ở nông thôn vùng sâu nên việc đầu tư cho các hạng mục này đã tạo điều kiện cho người dân có nơi trao đổi hàng hóa, trẻ em được học tập ở những ngôi trường khang trang, giảm thiểu tỷ lệ học sinh bỏ học, sản phẩm hàng hóa nông hải sản có điều kiện tiêu thụ nhanh hơn, qua đó đã kích thích sản xuất chuyển từ lối tự cung tự cấp sang nền sản xuất hàng hóa. Dự án nhà văn hóa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, câu lạc bộ, học tập cộng đồng, nhờ vậy mức hưởng thụ về mặt tinh thần và dân trí cũng được nâng lên, thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa càng phát triển.
Là huyện thuần nông gồm có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, gần 33% là đồng bào Khmer, tỷ lệ nghèo còn khá cao. Từ khi triển khai các công trình, dự án, bên cạnh giao thông, thủy lợi huyện đã đầu tư vào việc tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, xây dựng mô hình sản xuất mới, cấp con giống heo, bò, gà, vịt, phân bón, máy phun xịt, máy bơm nước, máy gặt đập liên hợp... góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi tạo thêm công ăn việc làm cho hộ nghèo tăng thu nhập. Vì vậy, tỷ lệ nghèo trong huyện đã giảm đáng kể từ 43,73% (năm 2005) xuống còn 17,53 % (năm 2009). Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 6 triệu lên đến 8 triệu đồng, lương thực từ trên 2.700kg nay tăng 2.963kg/người/năm. Tuy nguồn vốn được đầu tư chưa phải là nhiều so với một huyện nghèo chưa có điều kiện phát triển kinh tế đa dạng, nhưng hiệu quả đã rõ. Kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn từng bước được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo hàng năm giảm từ 3 đến 5%. Theo đồng chí Phạm Văn Vọng: “Để Chương trình 135 đạt hiệu quả hơn nữa, Chính phủ nên tăng cường kinh phí cao hơn và có những giải pháp phù hợp đặc điểm địa hình từng địa phương. Đối với Thạnh Trị kinh tế chủ yếu là trồng lúa nên có nhu cầu khá lớn về hạ tầng kỹ thuật, nhất là thủy lợi khép kín. Ngoài ra, định chế khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế còn vướng mắc trong thực hiện thủ tục đối ứng nên áp dụng còn gặp nhiều lúng túng, mặt khác do điều kiện của địa phương một số cán bộ xã vùng đặc biệt khó khăn chưa đủ năng lực đảm đương vai trò quản lý và làm chủ đầu tư các công trình nên tiến độ triển khai còn chậm. Bên cạnh đó, ý thức quản lý duy tu, bảo dưỡng, sử dụng công trình ở một số địa phương và một bộ phận người dân chưa cao nên công trình chóng xuống cấp.
Hồng Vân
[TT:T.V.T]