Giảm nghèo ở bản Nậm Nhùn

Được sự trợ giúp của tỉnh, huyện từ các chương trình, dự án, cùng với sự nỗ lực của Nhân dân các dân tộc trong bản, những năm qua công tác giảm nghèo ở bản Nậm Nhùn, thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng.

Bản Nậm Nhùn có 242 hộ, 786 nhân khẩu với trên 80% dân tộc Thái. Phần lớn diện tích đất canh tác của bà con trong bản đã nhường cho việc xây dựng các hạng mục công trình nhà máy Thủy điện Lai Châu và phát triển diện tích cao su. Vì vậy cả bản Nậm Nhùn chỉ còn 6ha diện tích lúa nước, 60ha diện tích đất nương. Thiếu đất sản xuất nên việc canh tác, phát triển kinh tế hộ của bà con trong bản gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, Chi bộ bản kết hợp với các chi hội, đoàn thể bản vận động bà con tham gia chăm sóc cao su, xin làm công nhân tại công trường nhà máy Thủy điện Lai Châu. Bên cạnh đó tập trung phát triển chăn nuôi hộ gia đình, trồng rau xanh. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, các đảng viên đã đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, đăng ký cho con em đi làm công nhân trồng trao su và làm công nhân ở công trường thủy điện Lai Châu. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng rau màu cho bà con, đặc biệt đối với các hộ nghèo... Đến nay cả bản đã có 3ha đất trồng rau xanh các loại, 300 con trâu, 80 con bò, hàng nghìn con lợn, gà, vịt. Sản phẩm thu về không những đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình mà còn cung ứng các công trường xây dựng thủy điện Lai Châu... tăng thêm thu nhập.

Ông Mào Văn Siêng, Trưởng bản Nậm Nhùn cho chúng tôi biết: “Để những hộ nghèo trong bản sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu, Chi bộ bản đã phối hợp với các chi hội thành lập nhóm nhận giúp đỡ một hộ nghèo. Từ đó, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ để có định hướng, hướng dẫn cụ thể cho phù hợp. Theo đó, nhà nào có lao động thì được hỗ trợ giống, kỹ thuật để sản xuất, nhà nào thiếu lao động, thiếu đất sản xuất thì mọi người trong bản cùng nhau giúp sức khai hoang thêm ruộng, cho mượn trâu, bò để cày cấy. Vận động các hộ nghèo tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, mô hình trồng trọt, chăn nuôi do xã, thị trấn tổ chức. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn sản xuất; song song với việc giám sát, giúp đỡ các hộ nghèo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn, phát triển kinh tế gia đình”.

Đến thăm gia đình bà Vàng Thị Sớn, hộ thoát nghèo năm 2013 khi gia đình bà vừa mới thu hoạch lúa mùa. Nghỉ tay tiếp chuyện chúng tôi bà chia sẻ, do hoàn cảnh gia đình chồng mất sớm, neo người nên gia đình luôn trong tình trạng thiếu cái ăn cái mặc. Nhà máy Thủy điện Lai Châu khởi công, phần lớn ruộng của gia đình đã được chuyển sang làm đường phục vụ xây dựng nhà máy. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của bản, con trai của tôi được đi làm công nhân chăm sóc cao su, gia đình tôi lại được giúp đỡ về con giống, cách trồng rau xanh.

Hiện nay 800m2 lúa nương của gia đình tôi được hỗ trợ gieo cấy những loại lúa lai cho năng suất cao, đàn lợn nái nhờ được hướng dẫn chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên phát triển khỏe mạnh... Mỗi năm thu về từ 20 đến 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí đã giúp tôi thoát khỏi hộ nghèo, mua được xe máy, tivi, bếp gas... cải thiện cuộc sống”.

Với cách làm cầm tay chỉ việc, không chỉ có bà Sớn mà từ đầu năm đến nay, trong bản đã có 7 hộ xin ra khỏi danh sách nghèo. Đến nay cả bản Nậm Nhùn chỉ còn 2 hộ nghèo. Năm 2014, bản khai hoang được thêm 5ha ruộng, thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng/người/năm. Trong bản ngày càng xuất hiện thêm nhiều các mô hình trang trại chăn nuôi, trồng rau của các hộ dân thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm... Đó chính là tiền đề để bản thực hiện thắng lợi mục tiêu tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành