Giảm nghèo về thông tin góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân
Qua 3 năm (2016 - 2018) thực hiện, Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, biên giới của tỉnh Kon Tum. Dự án cũng đã tác động tích cực đến công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum., toàn tỉnh hiện có 13/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 05 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 21 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 44 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, còn 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân đạt 10,2 tiêu chí nông thôn mới/xã.
Các chương trình, dự án trong giai đoạn 2016-2018 thực hiện một cách hiệu quả, góp phần vào công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, cơ sở. Hàng năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,56%/năm (từ 26,11% vào đầu năm 2016 xuống còn 20,30% vào cuối năm 2017), đạt 101,71% so với kế hoạch Đề án. Trong 2 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 10.340 hộ.
Đối với tiêu chí số 08 về thông tin và truyền thông, toàn tỉnh hiện có 64/86 xã đạt tiêu chuẩn. Đạt tỷ lệ 74,42 %. Lĩnh vực thông tin và truyền thông cơ bản đáp ứng tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới đề ra. Đực biệt, với sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng, các hoạt động truyền thông giảm nghèo về thông tin đã được đẩy mạnh.
Theo ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Kon Tum, các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh và cơ quan báo chí của Trung ương thường trú tại tỉnh đã nhận thức rõ công tác truyền thông về giảm nghèo là một nội dung quan trọng của địa phương; đồng thời, tổ chức đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thực hiện nhiều phóng sự, tin, bài về điển hình tập thể huyện, xã, thôn, hộ gia đình, cá nhân là tấm gương trong sản xuất giỏi, thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Đối với Dự án 4 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”, dưới sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã tập trung truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân, cộng đồng dân cư của 86 xã thuộc diện hưởng thụ Chương trình MTQG.
Công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin được chú trọng đúng mức. Tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở; thực hiện 16 phóng sự, đặt 05 pa nô tại xã; in, phát hành 350 tờ áp phích và 810 cuốn sổ tay giảm nghèo về thông tin cung cấp cho 86 xã và cán bộ của 749 thôn.
Đối với huyện, thành phố đã chủ động thực hiện in, phát hành áp phích, tờ rơi, treo băng rôn,... Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở có nhiều bài viết, phóng sự, chuyên đề thông tin về các mô hình, kinh nghiệm điển hình, tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các đội chiếu phim lưu động của địa phương đã thực hiện 250 buổi chiếu tại các thôn, làng của 10 huyện, thành phố; Đội Tuyên truyền lưu động tổ chức 460 buổi văn nghệ lồng ghép tuyên truyền ở cơ sở; hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh đã phục vụ được 63.000 lượt bạn đọc...
Theo kế hoạch, Kon Tum phấn đấu đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 19 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 21,7% và số xã dưới 5 tiêu chí giảm so với năm 2017 là 03 xã; bình quân đạt 12 tiêu chí nông thôn mới/xã... Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ thì Kon Tum xác định phải tăng cường tuyên truyền để người dân được tiếp cận thông tin về giảm nghèo. Tỉnh cũng sẽ đổi mới hình thức tuyên truyền, kịp thời thông tin về những mô hình hay, sáng tạo trong xây dựng NTM cho người dân học tập. Tăng cường công tác vận động người dân chung tay góp sức dưới mọi hình thức để tăng thêm nguồn lực trong công tác xây dựng NTM.