Giảm tỉ lệ hộ nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Sáng 7/8, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 –CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị, sở, ban, ngành của địa phương và ngân hàng chính sách xã hội.
Trong 5 năm qua (2014 - 2019), tổng nguồn lực huy động để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 2.746 tỉ đồng, tăng gần 1.035 tỉ đồng so với trước khi có Chỉ thị, trong đó nguồn lực từ Trung ương gần 2.420 tỉ đồng, chiếm 88,05%; nguồn lực từ địa phương hơn 328 tỉ đồng, chiếm 11,95%.
Vốn tín dụng chính sách đã được hộ nghèo vay để mua sắm vật tư, con giống phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cải tạo vườn, mua sắm máy móc thiết bị, ngư lưới cụ, khôi phục phát triển các nghề truyền thống… giúp cho 24.342 hộ vượt qua ngưỡng đói nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống; 2.588 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập…
Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách còn cho các hộ nông dân vay xây dựng mới, cải tạo 178.780 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường hợp chuẩn; xây dựng 193 căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà vượt lũ…
Các chương trình tín dụng ưu đãi do ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 từ 9,4% (năm 2011) xuống còn 1,42% (cuối năm 2015) và giai đoạn 2016 - 2020 từ 9,68% xuống còn 4,95% vào cuối năm 2018.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống; tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo, các đối tượng chính sách từng bước thoát khỏi tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội; nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất để nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Khánh Hòa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW như: một số cấp ủy, chính quyền, đảng viên nhận thức về tín dụng chính sách chưa đầy đủ, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ và nâng cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức triển khai tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Nguồn vốn chính sách xã hội chưa đáp ứng với nhu cầu cho vay. Sự phối hợp, lồng ghép giữa các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động hỗ trợ công tác giảm nghèo, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… với tín dụng chính sách chưa đồng bộ…
Trong thời gian tới, ông Lê Thanh Quang yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải tiếp tục xem đây là kênh vốn hiệu quả để giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tập huấn lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư nhằm tạo điều kiện cho bà con có những kinh nghiệm ban đầu để tổ chức sản xuất. Các đoàn thể phải phối hợp quản lý tốt nguồn vốn, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống và giúp đỡ lại các đối tượng yếu thế khác. Hàng năm, UBND các cấp tiếp tục chuyển vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để cho vay phát triển sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh.
baotintuc.vn