Hà Giang: Lấy xã làm động lực, hộ nghèo là chủ thể
Triển khai Nghị quyết 30 a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh, bền vững cho 61 huyện nghèo nhất quốc gia, Hà Giang đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai xây dựng các Đề án giảm nghèo cụ thể với sự đồng thuận rất cao từ các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân, đột phá từ phương châm: Lấy xã làm động lực, hộ nghèo là chủ thể.
Hơn 10 năm về trước (từ 1998), Hà Giang được biết đến là địa phương thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, XĐGN từ những mô hình mang tính đột phá: “ Hạ sơn cho đồng bào vùng cao”, “ Mái nhà-bể nước-con bò”, “ Tăng cường cán bộ có kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất về các xã đặc biệt khó khăn”…
Lấy xã là động lực, hộ nghèo là chủ thể
Từ 2006-2008 bằng các chương trình đầu tư phát triển KT-XH, XĐGN từ nguồn ngân sách của Nhà nước, đóng góp nội lực, Hà Giang đã có gần 13.000 hộ nghèo được xoá nhà tạm; hơn 30.000 bể nước ăn gia đình được xây dựng; gần 600 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn được hoàn thành và đưa vào sử dụng, hơn 160 tuyến đường dân sinh, gần 800km đường giao thông nông thôn được mở; gần 1.300 ha đất được khai hoang, nương xếp đá chuyển thành nương ruộng… Tất cả đã giúp hơn 21.000 hộ thoát nghèo. Hiện toàn tỉnh vẫn còn 37.000 hộ nghèo, tập trung 4 huyện vùng cao núi đá, 2 huyện vùng cao núi đất.
|
Yên Minh là huyện vùng cao núi đá, trong 78.615 héc ta(ha) đất tự nhiên, chỉ có hơn 18.000 ha có thể canh tác nông nghiệp, địa hình độ dốc lớn bị chia cắt mạnh.Cũng như nhiều huyện vùng cao núi đá khác của tỉnh Hà Giang, bà con người Mông ở đây bao đời nay chỉ biết canh tác nông nghiệp theo tập quán đào đá, bỏ đất vào hốc gieo hạt trồng ngô, năm nào mưa gió thuận hoà may thì đủ ăn, còn mất mùa thì…“ Nếu không từng bước thay đổi nếp suy nghĩ cũ ấy của người dân, và trong cả đội ngũ cán bộ từ huyện xuống tới thôn bản, thì vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào trợ giúp từ Nhà nước dài dài…”-Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Hoàng Văn Vịnh thẳng thắn. Vậy, Yên Minh làm gì để thay đổi “số phận” huyện nghèo? Mạnh dạn để thay đổi số phận, huyện đã có cách làm mang tính đột phá: Tập trung đầu tư cho một số xã có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhằm tạo ra “vết dầu loang” giúp các xã khó khăn khác tìm cơ hội phát triển kinh tế, XĐGN. “Cái gì khó nhất, tính toán tập trung đầu tư tạo đòn bẩy từ hạ tầng điện, đường, trường, trạm; xây dựng mỗi xã này thành một trung tâm thương mại để tiêu thụ nông sản; đồng thời phân vùng sản xuất để từng bước hình thành các vùng chuyên canh”-ông Vịnh cho biết. Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2008, đến nay chính sách “xã động lực” đã mang lại diện mạo mới cho nhiều xã nghèo của huyện. Diện mạo của một thị tứ vùng cao đã và đang hình thành, với hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang ở Mậu Duệ. Chính các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, đã tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Chính sách đột phá này đã đưa tổng diện tích gieo trồng của xã đạt trên 920ha trong năm 2008, trong đó có 231 ha lúa, 380 ha ngô, 110 ha đậu tương...Chăn nuôi cũng được khuyến khích phát triển, với tổng đàn trâu, bò, dê 4.750 con; sản phẩm chăn nuôi dần trở thành hàng hoá, đóng góp tỉ lệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp...Không những thế, Mậu Duệ còn trở thành một trong ba trung tâm trồng xoài lớn nhất huyện, nâng tổng diện tích xoài toàn huyện Yên Minh lên 760ha. “Với NQ 30 a, chúng tôi tiếp tục mở rộng thêm diện tích sản xuất, ngoài cây ngô, đưa thêm cây đậu tương, lạc và đưa vùng chuyên canh chè lên khoảng 1.000 héc ta, cùng với chăn nuôi gia súc lớn tập trung. Chính sách hỗ trợ lương thực, nhận khoán chăm sóc rừng 200.000 đồng/héc ta/năm sẽ giúp các hộ nghèo yên tâm hơn khi nhận giao đất rừng…Vấn đề còn lại là tận dụng, lồng ghép các dự án thế nào cho có hiệu quả ”-Giọng ông Chủ tịch biểu lộ sự tự tin.
Kích cầu nông nghiệp, cán bộ trực tiếp giúp hộ nghèo
Còn huyện Xín Mần, lại có cách làm khác: Những năm qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm “kích cầu” sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội... Những giải pháp này đã tạo điều kiện theo cho hàng trăm hộ nghèo được tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, tham dự các lớp đào tạo nghề, vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả: mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm (gà đen, trâu, bò thịt); mô hình trồng cỏ, trồng thảo quả; phát triển, nhân rộng giống gạo đặc sản Già Dui...
Để XĐGN hiệu quả, thiết thực, tránh bệnh thành tích, Xín Mần còn lập “sổ theo dõi thoát nghèo” cho mỗi hộ nghèo. Theo đó, mỗi hộ sẽ tự kê khai các thông số tài sản hiện có trong gia đình vào sổ để các trưởng thôn, bản trực tiếp theo dõi, nắm bắt tình hình. “Cuối năm, huyện sẽ tổng hợp, bóc tách các thông số, đề ra các biện pháp, phương hướng khắc phục và phân công cho mỗi đảng viên sẽ chịu trách nhiệm nhận giúp đỡ từ 1-2 hộ thoát nghèo, cán bộ được phân công ai không làm được phải chịu kỷ luật, điều chuyển công tác khác...”- Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Dương Văn Hoà cho biết. Từ cách làm này, trong năm 2008, huyện đã giảm được gần 8% số hộ nghèo so với năm 2007,Chủ tịch Hoà khẳng định: “ Quan trọng là áp dụng sáng tạo cách làm từ thực tế của địa phương, không thụ động trông chờ nguồn lực từ Nhà nước...”
Giải phóng sức ỳ từ tư duy nhiệm kỳ
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Trọng Đàm: “Sáu huyện khó khăn của Hà Giang đã sớm quán triệt NQ 30 a, tổ chức thực hiện các Đề án giảm nghèo nhanh bền vững cho từng giai đoạn. Các Đề án được thành lập chi tiết, rõ ràng các hạng mục cần đầu tư theo đúng hướng dẫn của Bộ, ngành được Chính phủ phân công giúp địa phương. Tuy nhiên, các đề án cần chú trọng đến yếu tố nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ cán bộ thôn, bản trong thực hiện giảm nghèo, xã phải tự lập đề án trên cơ sở nhu cầu phát triển KT-XH, XĐGN, huyện không làm thay. Các chương trình đầu tư cần gắn với giải pháp thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể, không đầu tư dàn hàng ngang nhiều hạng mục cùng một thời điểm. Cần tính toán, ưu tiên đầu tư đất sản xuất, đất trồng rừng, đào tạo nghề để người nghèo có thể tự vươn lên trong cuộc sống...”
|
Hàng loạt các giải pháp, chương trình dự án lồng ghép, tập trung quyết liệt cải thiện cuộc sống hộ nghèo tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ giảm nghèo trong những năm qua trên địa bàn Hà Giang giảm tương đối nhanh so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên số hộ tái nghèo hằng năm còn cao (từ năm 2006-2008 số hộ nghèo phát sinh, tái nghèo lên tới hơn 6.500 hộ); tốc độ giảm nghèo không đồng đều (hiện còn 36 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 131 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%); còn trên 8.000 hộ nghèo phải sống trong những căn nhà tạm, hàng ngàn hộ vẫn còn phải trông chờ vào sự trợ cấp, cứu đói của Nhà nước... Điều đó cho thấy, hiệu quả giảm nghèo bền vững ở Hà Giang đang còn là bài toán nan giải cho các ngành, các cấp trong tỉnh.
Vậy làm thế nào để giảm nghèo nhanh, bền vững? Việc áp NQ 30 a sẽ tạo thêm động lực giúp Hà Giang giảm nghèo như thế nào đến năm 2012-2015 và 2020? Ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng: “Vẫn cần tập trung nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về XĐGN. Tích cực hơn nữa trong công tác tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp uỷ đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể trong công tác XĐGN. Hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn về XĐGN, trong đó có cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực, ưu tiên phân bổ vốn, nguồn lực các huyện thị xã có tỷ lệ nghèo cao, các xã biên giới, các xã đặc biệt khó khăn”. Với NQ 30 a, dù là tỉnh hoàn thiện các bản Đề án chi tiết phát triển KT-XH 6 huyện nghèo khá nhanh, nhưng theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND-UBND tỉnh: Cần rà soát lại các hạng mục đầu tư, chống dàn trải. Tính toán đầu tư cái gì có lợi nhất phục vụ phát triển sản xuất, XĐGN, không quá say sưa với việc xây dựng cơ sở hạ tầng...
Cái được của những năm thực hiện chính sách ĐẠI CÔNG TRƯỜNG ở Hà Giang là rõ ràng, nhưng có đường, có thuỷ lợi, có công trình mà dân vẫn còn nghèo, khó vươn lên tự lực thoát nghèo, thì chính sách đó không thành công. Không chỉ trông chờ vào ngân sách của TƯ, Hà Giang đang thực hiện hàng năm trích 1% ngân sách chi tiêu hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo xoá nhà tạm, khai hoang đất sản xuất, mở lớp học nghề, XKLĐ. “Tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, đặc biệt là các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chìa khoá để khẳng định vào năm 2020 6 huyện nghèo có thể hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20% hay không. “Nghị quyết 30 a cần phải hiểu là “cú huých” cuối cùng từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát khỏi tỉnh nghèo triền miên, chứ không phải là chính sách theo Nghị quyết, tư duy nhiệm kỳ...”-ông Nguyễn Trường Tô khẳng định tại buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ do Bộ LĐ-TB&XH phụ trách lên giúp địa phương triển khai NQ 30 a.
Vũ Văn Phúc
(Nguồn: http://www.cpv.org.vn)
[TT: N.T.V]