Hà Giang xác định giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng
Những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.
Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của T.Ư, tỉnh ta đã ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 4%/năm; huyện nghèo, xã nghèo giảm 6%/năm và hạn chế tái nghèo. Trên cơ sở đó, các ngành, các huyện, thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đến từng lĩnh vực, từng xã, thôn, hộ nghèo. Cùng với đó, các cấp, ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động… thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả.
Thời gian qua, tỉnh ta đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh ta được hỗ trợ trên 1.270 tỷ đồng từ các chính sách giảm nghèo của nhà nước. Đã có trên 300 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao sinh kế, như: Hỗ trợ tiền mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, làm chuồng trại chăn nuôi, tạo diện tích nuôi trồng thủy sản, tập huấn chuyển giao tiến bộ kho học kỹ thuật…
Các địa phương đã tổ chức dạy nghề cho hàng nghìn lao động nông thôn và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, như: Nuôi trâu, bò, dê, gà, lợn đen theo hình thức luân chuyển và có thu hồi. Cùng với nguồn vốn đầu tư của nhà nước, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nhân dân các xã nghèo, đặc biệt khó khăn xây dựng trường, lớp học, nhà lưu trú, bếp ăn cho học sinh, xóa nhà tạm, hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng trị giá trên 100 tỷ đồng.
Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 44%, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo. BCH Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; với tổng kinh phí gần 63 tỷ đồng được hỗ trợ từ các chính sách giảm nghèo của nhà nước trong giai đoạn 2016 – 2018, huyện đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 15 nghìn hộ nghèo.
Qua đó, giúp đời sống của nhân dân, đặc biệt các hộ nghèo được nâng lên, cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn từng bước được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy KT – XH địa phương phát triển. Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Hoàng Nhị Sơn, cho biết: “Năm 2018, toàn huyện có 6.036 hộ nghèo, giảm 1.214 hộ so với năm 2016. Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tầng lớp nhân dân, giúp hộ nghèo từng bước cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, có điều kiện tốt hơn trong việc tiếp xúc với các dịch vụ xã hội cơ bản”.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2016 đến hết 2018, toàn tỉnh giảm được 18.320 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 31,17%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 26,2 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 51%; tỷ lệ người dân có thẻ Bảo hiểm Y tế đạt 98,5%; 100% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế; 90,8% số hộ được sử dụng điện; 81,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh… Những con số trên phần nào khẳng định các chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp nên công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, như: Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nhiều tuyến giao thông nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa giữa các vùng; đời sống người dân có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số; số hộ nghèo phát sinh hàng năm cao; tình trạng tái nghèo vẫn xảy ra. Hơn nữa, nguồn thu ngân sách của tỉnh hạn hẹp, vì vậy việc huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn…
Từ thực tế trên, các cấp ủy, chính quyền đang chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn. Chuyển phương thức hỗ trợ từ cho không sang có điều kiện, có thu hồi luân chuyển để bảo toàn nguồn vốn, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng các mô hình giảm nghèo… hướng đến mục tiêu: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”!