Hàm Tân: Triển vọng từ mô hình nuôi đà điểu
Là một huyện kinh tế chủ yếu dựa vào cây mì, nông dân Hàm Tân đang từng bước tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao đời sống của gia đình và xã hội. Gia đình anh Võ Cương (1965) ở khu phố 4 - thị trấn Tân Nghĩa đã thí điểm nuôi đà điểu với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế khá...
Trong một lần trên đường từ thành phố Hồ Chí Minh về Hàm Tân, xe khách dừng lại ăn cơm dọc đường. Vô tình anh Cương thấy xe chở con giống đà điểu ở Nha Trang cũng ghé quán ăn cơm. Tò mò, anh lân la hỏi, thì được tài xế giải thích công ty này nuôi đà điểu theo mô hình khép kín với quy mô lớn ở Nha Trang và bán con giống cho nhiều tỉnh thành trong cả nước. Thấy thích thú với giống chân dài này, anh xin số điện thoại của giám đốc công ty, liên hệ hỏi mua để nuôi thử nghiệm. Anh khăn gói ra Nha Trang tham quan công ty chuyên cung cấp giống đà điểu, tìm hiểu hiệu quả kinh tế của loài động vật này và quyết định mua 10 con. Anh nói: “Nếu mua 50 con trở lên, công ty sẽ hỗ trợ giá. Trong quá trình nuôi, công ty sẽ cho nhân viên kỹ thuật đến hướng dẫn cách nuôi và khi muốn xuất bán công ty sẽ mua lại theo giá thị trường, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Nhưng gia đình tôi không có nhiều vốn, cũng chưa biết hiệu quả thế nào nên mua tạm 10 con về nuôi thử với giá 20 triệu đồng”. Với con giống nhỏ, công ty bán với giá từ 1,6 - 1,7 triệu đồng/con, con lớn hơn thì có giá 2 triệu đồng/con.
Anh dẫn chúng tôi vào rẫy, cách đường chính 2 cây số theo đường đất đỏ để tham quan đàn đà điểu của gia đình. Đàn đà điểu được nuôi trên đất cát với diện tích khoảng 200m2, xung quanh rào bằng lưới B40 và chúng phát triển khá nhanh. Mới 6 tháng tuổi, nhưng có con nặng hơn 60kg và khá phù hợp với vùng đất không mấy dễ chịu này. Chúng ăn khỏe, thức ăn chính là rau, cỏ, chuối cây bằm nhuyễn trộn với cám… Anh cho biết, nuôi đà điểu không phải tốn nhiều chi phí về thức ăn, vì thường là những phụ phẩm từ nông nghiệp, chỉ mua cám về trộn thêm. Hơn nữa đà điểu ít bệnh, dễ ăn nên không có gì đáng lo. Tuy nhiên, một nhược điểm của đà điểu là giữ thăng bằng không tốt, vì chân chỉ có 2 ngón và nó chạy khá nhanh nhưng không kiểm soát được tốc độ. Vì vậy, một con trong đàn đã chết khi chạy với tốc độ nhanh, tông vào hàng rào. Vì vậy, người nuôi nên lưu ý không nên nuôi trong khuôn viên quá rộng, để hạn chế tốc độ của đà điểu. Sau 2 năm đà điểu bắt đầu đẻ, mỗi trứng trung bình nặng từ 1,5 đến 1,7kg. Thịt đà điểu được các nhà hàng ưa chuộng và mua lại với giá khá cao. Da đà điểu có thể làm trang sức, túi xách, ví… và lông đà điểu được tận dụng làm quạt mang tính nghệ thuật. Hiện nay, nguồn cung không đủ cầu, vì vậy, nếu đà điểu phát triển tốt thì gia đình anh Cương sẽ nhanh chóng lấy lại vốn và mở rộng quy mô lớn hơn.
Anh vui vẻ cho biết: “Từ ngày mua đàn đà điểu về, ngày nào cũng có khách ghé tham quan, tôi cũng thật lòng chia sẻ. Hy vọng mô hình mới này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và địa phương. Đồng thời, hội nông dân thị trấn sẽ nhân rộng cho bà con để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có thêm thu nhập, cải thiện đời sống hàng ngày”.
Theo Báo Bình Thuận
[TT: N.T.P]