Hậu Giang: Cú hích từ chuyển đổi sản xuất
Tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện việc chuyển đổi SX nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng xây dựng thành công NTM.
Chuyển đổi 1.000 ha vườn tạp
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2016, ngành nông nghiệp Hậu Giang sẽ hỗ trợ các địa phương chuyển đổi 1.000 ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Địa điểm triển khai gồm: các huyện Châu Thành (100 ha), Châu Thành A (40 ha), Vị Thủy (250 ha), Long Mỹ (200 ha), Phụng Hiệp (120 ha), TX. Ngã Bảy (60 ha) và TP. Vị Thanh (230 ha).
Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết: “Việc chuyển đổi vườn tạp sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao là 1 trong 4 hợp phần thuộc đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn đã được UBND tỉnh thống nhất phê duyệt.
Đây là hợp phần trọng tâm, đột phá của đề án cần tập trung, ưu tiên triển khai nhanh, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng xây dựng thành công NTM của tỉnh”.
Chính vì vậy, địa điểm thực hiện chủ yếu ở các xã xây dựng NTM. Cụ thể, năm 2014 sẽ chuyển đổi 460 ha tại 23 xã NTM, trong đó ưu tiên triển khai tại 11 xã điểm, mỗi xã 20 ha. Giai đoạn 2015-2016, sẽ nhân rộng mô hình tại các xã đã triển khai với diện tích chuyển đổi 540 ha.
Ngay sau khi đề án được triển khai, rất nhiều hộ dân có vườn tạp tại xã NTM Vị Thanh (Vị Thuỷ, Hậu Giang) đã đăng ký tham gia.
Ông Phạm Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thanh, cho biết, trong quá trình xây dựng NTM, xã đã chủ trương chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây chuyên canh, có giá trị kinh tế và đã có nhiều hộ thực hiện đạt hiệu quả cao.
Nhờ đó, đã giúp xã sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí và được chính thức công nhận đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2014. Hiện nay, toàn xã còn 95 ha vườn tạp và 100% chủ vườn đã đăng ký thực hiện chuyển đổi.
“Đối với những hộ có diện tích vườn lớn, xã khuyến khích chuyển sang trồng dừa, chuối, cây ăn trái... Còn những hộ diện tích nhỏ thì trồng rau màu phục vụ nhu cầu rau xanh hằng ngày của gia đình hoặc bỏ mối cho tiểu thương bán ở chợ”, ông Nam định hướng chuyển đổi.
Tương tự, tại xã Vị Đông (huyện Vị Thủy) cũng đang tích cực chuyển đổi vườn tạp để trồng cây có giá trị cao, tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống kinh tế các hộ dân. Theo ông Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND xã Vị Đông, thì toàn xã có 127 ha vườn tạp, đến nay đã thí điểm chuyển đổi được một số diện tích, còn lại đang trong quá trình cải tạo.
Ông Tân cho biết: “Thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi SX, nhiều hộ dân đã lên xã đăng ký cải tạo vườn tạp theo đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của tỉnh (gọi tắt là đề án 1.000). Hiện nay, xã đã hoàn tất việc đăng ký này và đã chuyển lên cấp trên xem xét hỗ trợ cho vay vốn thực hiện.
Song song đó, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, kế hoạch cải tạo vườn tạp trong toàn xã, tìm kiếm các loại cây thích hợp để mở rộng diện tích, phát triển một cách bền vững”.
Là một trong những hộ dân tiên phong chuyển đổi vườn tạp ở xã Vị Đông, đến nay gia đình ông Lê Văn Sang đã thu hoạch được 3 vụ bưởi da xanh, mang lại nguồn kinh tế khá ổn định.
Ông Sang phấn khởi nói: “Cách đây mấy năm, khi phong trào xây dựng NTM bắt đầu, gia đình tôi đã mạnh dạn cải tạo 1,3 công đất vườn tạp để chuyển sang chuyên canh bưởi da xanh, với 70 cây giống ban đầu, giờ đã cho trái ổn định.
Từ nay đến cuối năm, vườn bưởi sẽ cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn trái, với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sẽ cho lợi nhuận hơn 50 triệu đồng, hiệu quả hơn nhiều so với các loại cây trồng khác”.
Thấy được hiệu quả từ cây bưởi da xanh, ông Sang tiếp tục mở rộng diện tích trồng lên 3 công. Và dự định sẽ chuyển đổi toàn bộ đất vườn nhà với diện tích 2 công còn lại vì sắp tới đây sẽ được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi.
Theo ông Sang, bưởi da xanh dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư cũng không lớn lắm, thị trường đầu ra nhiều năm qua khá ổn định. Vấn đề quan trọng khi cải tạo vườn là phải làm bài bản, lên liếp cao ráo và chọn cây giống sạch bệnh khi trồng.
Còn tại huyện Châu Thành, nhiều hộ dân sau khi nắm bắt được nội dung đề án, đã đồng tình ủng hộ.
Hiện nay, Phòng NN-PTNT huyện đã nhận được 60 hồ sơ đăng ký tham gia vay vốn phát triển mô hình chuyển đổi vườn tạp, vượt chỉ tiêu dự kiến là 40 hộ. Tất cả những hồ sơ đạt yêu cầu đã được gửi đến ngân hàng để xem xét giải ngân sớm.
Ông Nguyễn Thành Ban, ở xã Phú An, Châu Thành, phấn khởi cho biết: “Gia đình còn mấy công vườn tạp, muốn chuyển đổi sang trồng cam sành, vì cây này cho thu nhập cao, nhưng thiếu vốn nên chưa làm được.
Biết được thông tin Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn thực hiện đề án chuyển đổi, tôi đã kêu con đi đăng ký ngay. Cải tạo vườn tạp không chỉ giúp cho gia đình có thu nhập tốt hơn mà môi trường, bộ mặt nông thôn cũng sạch, đẹp hơn”.
Thay đổi phương thức SX
Ngoài ra, hợp phần 3 và hợp phần 4 của đề án cũng chú trọng chuyển đổi tại các xã xây dựng NTM nhằm thay đổi phương thức SX, nâng cao thu nhập, góp phần sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Cụ thể, hợp phần 3 sẽ chuyển đổi 1.000 ha lúa 3 vụ sang cơ cấu: 2 lúa - 1 màu hoặc 2 lúa - 1 thủy sản.
Trong đó, triển khai tại các huyện Châu Thành (50 ha), Châu Thành A (153 ha), Vị Thủy (168 ha), Long Mỹ (251 ha), Phụng Hiệp (233 ha), TX. Ngã Bảy (60 ha) và TP. Vị Thanh (85 ha). Năm 2014, thực hiện thí điểm chuyển đổi 160 ha, trong đó ưu tiên triển khai tại 11 xã điểm. Sau đó, nhân rộng mô hình tại 23 xã xây dựng NTM diện tích còn lại.
Hợp phần 4 chuyển đổi 1.000 hộ chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung trên nền đệm lót sinh học, nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường, tận thu khí sinh học...
Mô hình thí điểm chuyển đổi vườn tạp sang trồng dừa dứa tại xã NTM Vị Thanh mang lại hiệu quả kinh tế cao
Năm 2014, hỗ trợ 460 hộ tại 23 xã NTM, trong đó ưu tiên triển khai tại 11 xã điểm, mỗi xã 20 hộ. Giai đoạn tiếp theo sẽ nhân rộng ra địa bàn 23 xã, với 540 hộ.
Chị Lương Thị Hương, một nông dân chăn nuôi theo hình thức nông hộ ở xã Trường Long Tây, Châu Thành A, đang hồ hởi chờ đợi được tham gia đề án để có điều kiện mở rộng quy mô, cải tạo môi trường chăn nuôi.
Chị Hương chăn nuôi heo bằng hình thức tự để con giống, mỗi lứa từ 7-10 con heo thịt. Do chuồng trại tạm bợ nên môi trường không đảm bảo, chất thải chăn nuôi luôn bốc mùi hôi thối quanh nhà.
“Tôi theo dõi qua truyền hình, thấy một số nơi họ chăn nuôi có hầm ủ biogas nên rất sạch sẽ. Chăn nuôi trên đệm lót sinh học còn tiện lợi hơn, không phải tốn nước, tốn công tắm heo. Nhưng gia đình không có điều kiện làm đành phải chịu.
Nếu được Nhà nước hỗ trợ vay vốn tôi sẽ đầu tư xây dựng lại chuồng trại, mở rộng quy mô lên 30-40 con/lứa nuôi. Mai mốt xã thành NTM mà mình chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường là không ai chấp nhận”, chị Hương chia sẻ.