Hiệu quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 30a ở Tân Sơn

Là huyện duy nhất trong tỉnh Phú Thọ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững dành cho 62 huyện nghèo trong cả nước theo Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Tân Sơn đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo của huyện, tổ chức quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết kịp thời từ huyện đến cơ sở và xây dựng đề án “Phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020” với mục tiêu giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo, sớm đưa Tân Sơn thoát khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu.

Huyện Tân Sơn (Phú Thọ) được thành lập theo Nghị định 61/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính, tách huyện Thanh Sơn thành 2 huyện: Thanh Sơn và Tân Sơn. Tách ra từ một huyện nghèo, Tân Sơn trở thành huyện miền núi vùng cao với gần 77 nghìn người, gồm 8 dân tộc anh em trong đó có 7 dân tộc thiểu số như Mường, Dao, Mông, Tày... chiếm 82,3% dân số. Toàn huyện có 14/17 xã đặc biệt khó khăn, còn lại 3 xã thuộc xã miền núi khu vực II nhưng có 7 thôn bản đặc biệt khó khăn. Khi mới chia tách huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 62%, sau một thời gian nỗ lực với cuộc chiến chống đói nghèo, cuối năm 2008, tỉ lệ hộ nghèo ở Tân Sơn vẫn cao nhất tỉnh (52,42%). Mặc dù có tiềm năng về đất đai, thuận lợi về khí hậu để phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp nhưng do địa hình của Tân Sơn là nơi kết thúc của dãy Hoàng Liên Sơn nên khá phức tạp, độ dốc cao, bị chia cắt bởi các chi lưu của hệ thống sông Bứa nên có nhiều suối và khe lạch nên diện tích đất thuận lợi cho canh tác, sản xuất nông nghiệp rất ít. Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét thường xảy ra cục bộ nên đói nghèo đeo đẳng mãi người dân nơi đây, tập trung chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu năm 2009, khi xây dựng đề án thực hiện Nghị quyết 30a, tỷ lệ hộ nghèo là nông dân chiếm 98%, trong đó cá biệt có những xã tỉ lệ hộ nghèo rất cao như: Thu Cúc 57,7%; Đồng Sơn 60,7%; Lai Đồng 62%; Vinh Tiền 66,8%....

Với quan điểm chỉ đạo, phát triển kinh tế-xã hội của huyện phải phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Thọ, của trung tâm kinh tế vùng gắn liền với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hoá, xã hội, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo nhanh và bền vững; tăng cường ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Đề án được xây dựng theo những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn: 2010, 2015 và 2020 nhưng với quyết tâm làm đến đâu chắc đến đó, rồi tiếp tục rút kinh nghiệm để triển khai theo đúng lộ trình của Chính phủ đặt ra, sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Tân Sơn đã có những kết quả khả quan theo đúng mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Năm 2009, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 195,4 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 8,6% so với năm 2008; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 71,8 tỷ đồng, tăng 25,1% so với 2008; giá trị thương mại, dịch vụ đạt 100,2 tỷ đồng, tăng 27,5% so với 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52,42% (2008) xuống còn 41,62%, số hộ cận nghèo chiếm 14,52%; 100% người nghèo được cấp thẻ BHYT (34.649 thẻ). Đặc biệt, chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo được triển khai khá tích cực, tạo sự đồng thuận, phấn khởi và tin tưởng của người dân với Đảng, chính quyền ở địa phương và làm ấm lòng các nhà tài trợ. Trong thời gian qua, 4.200 ngôi nhà tạm được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố. Chỉ riêng trong năm 2009, đã có 3.006 hộ được xoá nhà tạm theo quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí giải ngân và thực hiện đạt 63.206 triệu đồng từ nguồn vốn của Chính phủ, vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội, vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế... và sự đóng góp giúp đỡ của cộng đồng, dòng tộc đến nay đã có nhà ở khang trang, tạo sự đồng thuận, phấn khởi và tin tưởng của người dân với Đảng, chính quyền ở địa phương. Đối với huyện nghèo miền núi, một trong những hướng giảm nghèo nhanh và bền vững có hiệu quả nhất là trồng và bảo vệ rừng. Dự án 661 về trồng mới 5 triệu ha rừng được triển khai từ nhiều năm trước và hiệu quả kinh tế do nó mang lại đã khiến người dân tin tưởng vào chủ trương đúng đó góp phần gìn giữ hệ thống rừng trên địa bàn huyện. Trong năm 2009, toàn huyện đã trồng được 81,0ha rừng phòng hộ (đạt 117% kế hoạch giao); 150ha rừng sản xuất (đạt 100% kế hoạch); giao khoán bảo vệ 4.710,8ha rừng tự nhiên; chăm sóc 113,8ha rừng phòng hộ với tổng kinh phí giải ngân 3.886 triệu đồng. Chương trình 135 giai đoạn II với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở và cộng đồng; duy tu và bảo dưỡng công trình...đã xây dựng được 19 công trình nước sạch; 11 công trình giao thông; 6 công trình điện... một số trung tâm cụm xã được đầu tư như Trung tâm cụm xã Xuân Đài, Trung tâm cụm xã Kiệt Sơn đã tạo ra động lực để phát triển kinh tế-xã hội các tiểu vùng. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã bước đầu biết đầu tư vốn, giống, phân bón và biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa đạt 49,2 tạ/ha; một số mô hình kinh tế mới như nuôi lợn rừng ở Văn Luông, bò lai sind ở Tân Phú xuất hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các nghề truyền thống được duy trì và phát triển như trồng chè đặc sản ở các xã: Long Cốc, Minh Đài, Tam Thanh; nghề dệt thổ cẩm ở Kim Thượng... đã góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cản trở mục tiêu của các chương trình đề ra như chưa bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách để giải quyết các vấn đề phát sinh. Một trong những khó khăn cơ bản mà huyện đang gặp phải là nguồn vốn hỗ trợ thấp, định mức hỗ trợ theo quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 25/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ qui định hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khó có thể phát huy hiệu quả đối với vùng cao đặc biệt khó khăn bởi tỉ suất đầu tư cao; nội dung và phương pháp đào tạo thuộc dự án đào tạo cho cán bộ và cộng đồng chưa thiết thực. Chương trình kiên cố hoá trường học qui định suất đầu tư 160 triệu đồng/phòng học và 40 triệu đồng/phòng công vụ trong điều kiện giá cả tăng đột biến, cước phí vận chuyển đến các xã, thôn bản khó khăn nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình. Mặt khác, các qui định về tỉ lệ vốn đối ứng trong điều kiện của một trong các huyện nghèo nhất nước làm cho ngân sách địa phương không thể đáp ứng được dẫn đến bất cập và tính bất khả thi là khá cao. Một số chính sách hỗ trợ còn mang tính bình quân, chưa tính đến đặc thù của huyện có khó khăn đặc biệt do vậy chưa có chính sách tập trung ưu tiên. Cùng với những vướng mắc về cơ chế chính sách thì những qui định về trình tự thủ tục trong việc thực hiện một số chương trình còn chưa phù hợp với trình độ của cán bộ và người dân do đó việc tham gia của người dân, cộng đồng vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao thu nhập và kiến thức đã không đạt kết quả như mong muốn. Chẳng hạn như trình tự thủ tục vay vốn hoặc trình tự lập dự án của hộ gia đình hoặc cộng đồng để có được nguồn vốn ưu đãi phục vụ cho phát triển….

Nghị quyết 30a của Chính phủ là một chương trình có tính chất mở. Nghĩa là trong quá trình thực hiện có sửa đổi, bổ sung cho đối tượng thụ hưởng và nâng mức hỗ trợ, mức đầu tư. Ngoài ra sẽ xây dựng thêm một số cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù phù hợp với các huyện nghèo như: Chính sách về hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, chính sách về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo… Điều đặc biệt quan trọng là việc phân bổ nguồn vốn từ trên xuống sẽ dựa trên kế hoạch được lập từ dưới lên, phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân. Mục đích giúp người dân từng bước cải thiện cuộc sống và chủ động xoá đói giảm nghèo một cách bền vững, tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong huyện. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh, quốc phòng… Năm 2009 là năm chuẩn bị và khởi động, năm 2010, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải tăng tốc thực hiện, huyện Tân Sơn tiếp tục triển khai đồng loạt các chính sách đã quy định trong Nghị quyết 30a, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, phấn đấu với mức cao nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn I (2009-2010) của Chương trình.

Ngọc Linh
(Nguồn: PhuthoPortal)

[TT: NTV]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành