Hiệu quả công tác Khuyến nông ở Con Cuông
Huyện Con Cuông (Nghệ An) là huyện núi cao - biên giới, có diện tích tự nhiên 174.415,15 ha, dân số 68.100 người, trong đó có trên 80% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Toàn huyện có 13 xã, thị trấn, trong đó có 11/13 xã, nằm trong diện đặc biệt khó khăn, được Chương trình 135 giai đoạn II hỗ trợ. Tuy có diện tích rộng nhưng rừng và đất rừng chiếm gần 130.000 ha; rừng Con Cuông nằm trong vườn Quốc gia Pù Mát, được quản lý, bảo vệ rất nghiêm ngặt. Toàn huyện chỉ có gần 5.000 ha đất có thể canh tác được, bình quân đầu người được xấp xỉ 400 m2 đất canh tác.
Để có thể tự cân đối nguồn lương thực tại chỗ, trong những năm qua, công tác khuyến nông góp một phần không nhỏ, từ việc tư vấn cho đồng bào đưa giống mới có năng suất cao vào gieo trồng, đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng vụ.
Trong tổng diện tích lúa nước, bà con đã đưa giống mới có năng suất cao vào gieo cấy trên 90% diện tích, từ năng suất lúa trước đây chỉ đạt 15-18 tạ/ha/năm, thì nay năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 54-55 tạ/ha/vụ. Các bản như Làng Pha (Yên Khê), Yên Thành (Lục Dạ), Thanh Bình (Thạch Ngàn)... do biết đầu tư nên năng suất rất cao, đạt 90-110 tạ/ha.
Toàn huyện có 1.299 ha đất màu, nhờ được tư vấn, bà con đã chuyển thành ba vụ sản xuất theo công thức: Lạc xuân (ngô xuân), đậu hè thu, ngô đông, trong đó chủ yếu gieo trỉa giống ngô lai, đạt năng suất ngô cao nhất nhì tỉnh, bình quân năng suất ngô lai đạt 70-80 tạ/ha/vụ, thôn 2/9 (Bồng Khê) nhờ đầu tư tốt nên vụ vừa qua năng suất đạt 110-120 tạ/ha.
Tổng sản lượng lương thực có hạt ngày một tăng, các mặt hàng nông sản như ngô, đậu, lạc, vừng... đang là thế mạnh của huyện để xuất khẩu và yếu tố quan trọng giúp Con Cuông giữ được rừng, độ che phủ rừng đạt 73%, cao nhất tỉnh, nhất nước.
Để giúp bà con làm quen với phương thức sản xuất mới, hàng năm huyện tổ chức tập huấn cho nông dân. Trạm Khuyến nông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo tổ chức tập huấn cho nông dân các thôn bản về sản xuất các loại cây vụ thu, trồng rừng nguyên liệu với trên 4.200 người tham gia; Tập huấn cách làm mạ Tuy Nen được 50 lớp, với trên 1.500 nông dân tham gia; Tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn IPM; Tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt được 10 lớp, có trên 300 người học.
Nhiều hộ đã đầu tư ngăn suối, đắp đập làm trang trại, vừa giữ nước, tạo độ ẩm cho rừng trong mùa nắng nóng, vừa thả cá tạo thu nhập cho gia đình. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ với cách làm ăn mới, đến nay bà con đã quen. Để phát huy thế mạnh miền núi, công tác khuyến nông tổ chức tập huấn cho bà con cách chăn nuôi trâu bò, như làm chuồng trại, trồng cỏ, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, từng bước phá bỏ tập quán thả rông sang chăn thả hợp lý. Mấy năm nay, đàn gia súc ở Con Cuông phát triển mạnh, tổng đàn trâu, bò có trên 40.000 con, đàn lợn có trên 60.000 con, các loại gia cầm khác cũng rất phát triển.
Cùng với sự đầu tư của nhà nước và nội lực của nhân dân, cuộc sống của nhân dân đang ngày càng đổi mới. Con Cuông đã có 12/13 xã có điện lưới quốc gia, có điện thoại; 13/13 xã có trường học cao tầng, có đường ô tô về đến trung tâm xã. Đời sống tinh thần ngày càng được cải thiện, cuộc sống của bản Mường ngày một ấm no, hạnh phúc.
Hiện nay huyện đang xây dựng kế hoạch, để năm tới tổ chức tập huấn rộng rãi cho bà con, để họ tự làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Phùng Văn Mùi