Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn, hướng đến giảm nghèo bền vững
Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát cận nghèo, thoát nghèo; có việc làm ổn định, có nguồn thu nhập để cải thiện đời sống gia đình; tự sửa chữa, xây mới nhà mà không cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước.
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về hiệu quả các chính sách cho vay của Nhà nước của HĐND tỉnh Khánh Hòa cho thấy, đến nay, tổng dư nợ từ 11 chương trình tín dụng cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số lên đến trên 243 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh cấp gần 33 tỷ đồng.
11.250 lượt hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách nói trên. Nợ quá hạn chỉ có 492 triệu đồng chiếm 0,2%/ tổng dư nợ cho vay. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã xử lý xóa nợ gần 3,5 tỷ đồng đối với 249 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong các trường hợp bất khả kháng.
Theo đánh giá của HĐND tỉnh Khánh Hòa, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp các hộ động bào dân tộc thiểu số thoát cận nghèo, thoát nghèo; có việc làm ổn định, có nguồn thu nhập để cải thiện đời sống gia đình; tự sửa chữa, xây mới nhà mà không cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc tập trung nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua kết quả giám sát, HĐND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị UBND tỉnh rà soát, kiểm tra và sớm xử lý việc chuyển vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới cho lao động nhàn rỗi tại các vùng nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất, thanh niên lập nghiệp tại địa phương. Các cơ quan chuyên môn có liên quan và các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn cần thực hiện tốt công tác phối hợp hướng dẫn cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số cách lựa chọn giống cây trồng vật nuôi, cách thức làm ăn, phát triển kinh tế hộ, sử dụng vốn vay có hiệu quả cũng như ý thức, trách nhiệm trả nợ của người vay. Tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu bổ sung đối tượng được vay vốn là hộ dân tộc thiểu số có mức sống trung bình được vay vốn, mức vay đến 100 triệu đồng/hộ và thời gian tối đa lên đến 10 năm để phù họp với dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong vùng dân tộc thiểu số, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Khánh Hòa hiện có trên 16.680 hộ dân với trên 71 nghìn người là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo chiếm hơn 48%, số hộ cận nghèo chiếm gần 20%; phần lớn sinh sống trên địa bàn hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số xuống từ 6 – 7%.
baotintuc.vn