Hướng dẫn phát triển chợ tại 61 huyện nghèo

Tại 20 tỉnh có 61 huyện nghèo trên cả nước có 2.493 chợ, chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số chợ cả nước. Trong đó có 680 chợ kiên cố, 863 chợ bán kiên cố và 950 là chợ tạm.

Từ năm 2003 đến 2007, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 319,3 tỷ đồng cho 45 tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 158 chợ, chủ yếu là ở địa bàn nông thôn, miền núi và chợ đầu mối (trong số đó phần lớn là chợ đầu mối nông sản). Riêng 20 tỉnh có huyện nghèo, 19 tỉnh đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ (trừ tỉnh Bình Định) với số tiền là 149,8 tỷ đồng, chiếm khoảng 46,97% tổng số vốn hỗ trợ đầu tư chợ của cả nước. Nhờ sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương cùng với việc huy động các nguồn vốn khác, 19 tỉnh có các huyện nghèo đã đầu tư xây dựng được 105 chợ, trong đó, nhiều chợ đã hoàn thành đưa vào sử dụng và hoạt động có hiệu quả.

Theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 26-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, có nội dung đầu tư phát triển chợ tại trung tâm xã. Theo đó có chính sách sử dụng vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách hàng năm để ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có các chợ trung tâm xã tại các huyện nghèo. Để thực hiện Nghị quyết trên, Bộ Công thương phối hợp Uỷ ban nhân dân các tỉnh có huyện nghèo chỉ đạo các sở công thương thực hiện một số công việc chủ yếu. Đó là, rà soát quy hoạch phát triển chợ trên địa bàn tỉnh nói chung, ở các huyện nghèo nói riêng, để có thể điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của từng huyện nhằm tạo điều kiện để thực hiện các dự án đầu tư chợ trung tâm xã thuộc các huyện nghèo theo hướng hiệu quả, thiết thực, tránh chồng chéo lãng phí vốn đầu tư. Đối với các tỉnh, huyện chưa có quy hoạch chợ, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch, các tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện các dự án đầu tư chợ tại trung tâm các xã với lộ trình và bước đi thích hợp. Đề nghị UBND các tỉnh có các huyện nghèo ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh nhằm phát triển chợ ở địa bàn nông thôn, miền núi nói chung, chợ tại các huyện nghèo nói riêng. Chính quyền cơ sở cần tạo điều kiện cho dân trên địa bàn tham gia xây dựng chợ phù hợp với khả năng nhằm tạo công ăn việc làm tăng thêm thu nhập cho nhân dân. Hằng năm, trong tổng số ngân sách dành để phát triển các huyện nghèo, đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh quan tâm bố trí dành ngân sách thỏa đáng để đầu tư xây dựng các chợ trung tâm xã, trước hết ưu tiên vốn đầu tư cho các chợ tại các xã đang có nhu cầu bức xúc về chợ, các chợ đang hoạt động tốt nhưng là chợ tạm, cơ sở vật chất - kỹ thuật quá yếu kém hoặc đang họp ngoài trời nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của sản xuất, tiêu thụ nông sản và đời sống sinh hoạt của dân. Trong quá trình thực hiện các dự án chợ trung tâm xã thuộc các huyện nghèo, cần kết hợp với việc thực hiện chính sách phát triển chợ thuộc các chương trình khác như Chương trình phát triển chợ đến năm 2010, Chương trình 135 về phát triển các trung tâm cụm xã, v.v... Các huyện nghèo, chủ yếu là địa bàn miền núi - nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người, chợ còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa theo phong tục, tập quán của từng địa phương. Để phát huy công năng và nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ, tránh lãng phí vốn đầu tư, khi thiết kế chợ, một mặt phải tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng về “Tiêu chuẩn thiết kế chợ” và các văn bản liên quan, mặt khác phải quan tâm đến yếu tố văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng địa phương. Uỷ ban nhân dân các tỉnh có huyện nghèo chỉ đạo và tạo điều kiện để các sở công thương và các phòng công thương tại các huyện tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng các dự án đầu tư chợ trung tâm xã. Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án chợ trên địa bàn tỉnh nói chung, tại các huyện nghèo nói riêng để xử lý kịp thời những vướng mắc nảy sinh và bảo đảm nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước đúng mục đích, có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân ở những huyện nghèo. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ sau đầu tư, Uỷ ban nhân dân các cấp (nhất là chính quyền cơ sở) cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã đủ điều kiện tham gia quản lý chợ trên địa bàn tỉnh nói chung, tại các huyện nghèo nói riêng theo quy định.

ND
(Nguồn: Bản tin CT 135 số 4/2009)

[TT: N.T.V]

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành