Hướng thoát nghèo ở Cúc Phương

Phong trào phát triển kinh tế trang trại vườn - chuồng - rừng (VCR) ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó nuôi hươu lấy nhung và nuôi dê đã góp phần tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã.

Chúng tôi về huyện Nho Quan (Ninh Bình), đi dọc theo tuyến tỉnh lộ đoạn qua địa bàn xã Cúc Phương, không khó nhận ra những đàn hươu trong chuồng, đàn dê... đang gặm cỏ ngoài bìa rừng rợp bóng mát của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Chánh Văn phòng UBND huyện Nho Quan Nguyễn Xuân Trường cho biết: Cúc Phương là xã vùng ven của Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc huyện Nho Quan với bốn dân tộc anh em cùng sinh sống: Tày, Thái, Mường và Kinh, có diện tích đất đồi rừng và vườn cây ăn quả khá lớn, cho nên bà con chủ động khai thác điều kiện thuận lợi đó, nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi hươu lấy nhung, nuôi dê và làm kinh tế trang trại VCR đã tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Từ những khó khăn ban đầu

Mấy năm trước, cuộc sống của bà con các dân tộc trong xã quanh năm vất vả cũng không đủ ăn. Từ việc di dân sáu xóm từ vùng lõi Vườn Quốc gia Cúc Phương trong những năm 1986 - 1990 ra bên ngoài, đến việc lập ra những xóm mới ở vùng đất mới gặp bao điều khó khăn. Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương Đinh Duy Hải tâm sự: Lúc đó người dân chỉ biết phát nương làm rẫy, quanh năm phải ăn ngô, trình độ canh tác còn rất thấp, bà con cực khổ, nhiều người dân muốn trở về nơi ở cũ để canh tác. Nơi đất mới là đất chua phèn, đất đá lộ đầu, bà con canh tác mấy năm đầu đều không hiệu quả... Thế rồi được UBND tỉnh và UBND huyện đưa cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn, đầu tư về giống, cây trồng, vật nuôi... từ đó đời sống của bà con dần dần ổn định, phát triển.

Khó khăn chung của xã Cúc Phương là chủ yếu làm nông nghiệp, được mùa hay mất mùa đều phụ thuộc vào thiên nhiên. Ở đây không có ao, hồ, phần lớn là núi và đất đá, chỉ trông chờ vào "nước của trời".

Nhiều dự án nông nghiệp đưa vào không thành công. Vì vậy, Đảng ủy, UBND và chính quyền xã định hướng chuyển mạnh sang chăn nuôi theo lợi thế của vùng rừng núi.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Nho Quan Vũ Thế Phương nhận định: Chính sách cho đồng bào dân tộc và miền núi, nhất là Chương trình 135 giúp bà con được hưởng lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai vẫn gặp nhiều trắc trở do lực lượng cán bộ làm công tác dân tộc thiếu, chủ yếu làm kiêm nhiệm, cho nên việc nắm bắt thực tế và tuyên truyền về chính sách dân tộc gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất về chậm, không kịp thời làm ảnh hưởng đến vụ mùa, thiệt hại về kinh tế. Đội ngũ người có uy tín không có chính sách đãi ngộ, chỉ có chế độ thăm hỏi dịp lễ, Tết, do vậy công tác dân tộc tuyên truyền đến bà con không phát huy hết hiệu quả. Lực lượng con em các dân tộc được cử tuyển không sắp xếp được việc làm, nguồn nhân lực cho đồng bào các dân tộc bị thiếu hụt.

Vượt khó, thoát nghèo

Với đặc thù vùng đất trồng lúa không thuận, cho nên Đảng ủy, UBND và chính quyền xã tìm cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Năm vừa qua, xã Cúc Phương thu được tiền tỷ từ cây keo. Tiếp theo, xã mạnh dạn vận động trồng cây ngắn ngày như mía, sắn, lạc. Trồng ngô để "lấy ngắn nuôi dài", bởi những gia đình không có điều kiện phải có lương thực để chăm sóc cây mía.

Trồng mía nơi đây rất hiệu quả, bình quân 60 triệu đồng/ha, có gia đình đạt 100 triệu đồng/ha. Việc thu mua mía đã có Công ty Việt - Đài bao tiêu, cho nên bà con yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, cây trồng chưa mang lại nguồn lợi kinh tế cao, xã quyết tâm chuyển mạnh sang chăn nuôi theo phương châm "nuôi con ăn cỏ, uống nước lã". Cách nuôi này phù hợp với đồng đất vì thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Xã chỉ đạo nuôi trâu, bò, hươu, dê, lợn rừng, nhím, ong...

Nuôi ong đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, hiện cả xã có khoảng hơn 300 đàn ong. Nuôi dê chỉ cần thả lên núi, dễ nuôi, chất lượng thịt lại ngon.

Nhiều hộ gia đình xây dựng trang trại nuôi hươu, lợn rừng đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là nuôi hươu, con hươu cho nhung, cho lộc, giúp bà con giảm nghèo. Với suy nghĩ: con hươu sống ở trong rừng với điều kiện khí hậu và thức ăn có sẵn trong thiên nhiên, tại sao không thể nuôi nhốt. Vì thế, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã đi mua hươu giống từ Nghệ An, Hà Tĩnh về nuôi rồi trở thành người đi đầu trong phong trào nuôi hươu ở địa phương. Hươu được chăm sóc trong chuồng với 14 loại lá rừng giúp giữ ấm về mùa đông khiến hươu thích nghi dần với điều kiện sống nơi mới. Sau hai, ba năm hươu sinh sản và đặc biệt hươu đực cho nhung.

Theo Chủ tịch UBND xã Cúc Phương Đinh Thúc Chiến, xã hiện có hơn 500 con hươu; nhung hươu Cúc Phương được cho là chất lượng vượt trội bởi thức ăn của hươu 100% là lá rừng và uống nước lã. Vì vậy, hễ cứ mùa xuân về nhiều người từ khắp mọi miền đổ về mua nhung, có thời điểm giá từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/lạng (mỗi cặp nhung từ 0,5 kg đến 0,7 kg). Đặc điểm nuôi hươu ở đây ít bệnh tật, dễ nuôi, vừa bán nhung, vừa bán cả thịt. Lúc giá cao nhất là 65 triệu đồng/đôi, nhung hươu chủ yếu phục vụ cho khách du lịch.

Hiện, ở địa phương có 126 hộ lập gia trại, nhiều gia trại thu lợi nhuận cao như gia đình ông Đinh Văn Châu ở xóm 2, mỗi năm thu nhập 700 triệu đồng. Anh Bùi Văn Tuyên, người dân tộc Mường ở thôn Nga 2 cho biết, gia đình anh nuôi hươu từ năm 1992, hiện có 12 con, mỗi năm thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng. Anh Bùi Văn Tuyên cho biết: "Với tinh thần tương thân tương ái, các hộ nuôi hươu lấy nhung đã thường xuyên giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm như cách phòng, chống rét, bệnh tật cho hươu; cách chăm sóc vào mùa không có thức ăn tự nhiên; cách nhân đàn khi vào mùa sinh sản, cho nhung...".

Chúng tôi đến gia trại của anh Đinh Viết Đường cũng là người dân tộc Mường chuyên nuôi lợn rừng, gia cầm mỗi năm thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng. Đến nay, xã Cúc Phương nói riêng, huyện Nho Quan nói chung đã đi đầu trong việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trang trại VCR hiệu quả. Từ đó các xã Kỳ Phú, Phú Long... của huyện Nho Quan học tập kinh nghiệm và làm theo. Trên cơ sở đó đã hình thành mối liên kết nuôi hươu giữa các hộ, tạo điều kiện để đẩy mạnh nghề nuôi hươu, dê...ở địa phương. Mô hình phát triển kinh tế VCR đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững của xã Cúc Phương trong thời gian qua.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành