Huy động và lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chương trình 135 tại Thái Nguyên
Trong giai đoạn 2016 đến năm 2019 được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, nhiều chủ trương, chính sách đã được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Việc triển khai thực hiện Chương trình 135 trong những năm qua trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, sự phối hợp tuyên truyền của mặt trận, các đoàn thể, sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia đóng góp và thực hiện của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ, có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (06 huyện, 02 thành phố, 01 thị xã; trong đó có 04 huyện miền núi, 01 huyện vùng cao); 180 xã, phường, thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên trên 3.526 km2, dân số 1.286.751 người, gồm 46 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh có trên 384 nghìn người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh[1]. Số xã, xóm hưởng Chương trình 135 năm 2019 là: 63 xã và 94 xóm ĐBKK ở xã KVII – trong 63 xã có 36 xã đặc biệt khó khăn và 27 xã ATK hưởng CT135.
Quá trình tổ chức thực hiện đều có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương; từ cấp tỉnh đến cấp huyện và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì với các Sở, ngành liên quan trong quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ vốn, hướng dẫn thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Nhìn chung các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, văn hóa … đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân, khi hoàn thành đưa vào sử dụng cơ bản đều phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân vùng hưởng lợi, được người dân đồng tình tham gia ủng hộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, đời sống của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần chuyển đổi mạnh về cơ cấu kinh tế cho nhân dân, đặc biệt là giúp người dân về kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa, thực tế qua các năm trên địa bàn tỉnh tập trung hỗ trợ các loại cây giống chè, cây ăn quả..., các loại con giống như trâu, bò, lợn, dê sinh sản đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Giai đoạn 2016-2018, tổng vốn thực hiện Chương trình 135 là 329.257 triệu đồng, trong đó: ngân sách trung ương là 315.241 triệu đồng; ngân sách địa phương đối ứng thực hiện là 14.016 triệu đồng. Kết quả: đã đầu tư xây dựng 368 công trình (trong đó: giao thông 238CT, thuỷ lợi 45CT, điện 18CT, trường học 28CT, trạm y tế 03CT, nhà văn hoá 33CT, nước sinh hoạt 03CT); về hỗ trợ phát triển sản xuất đã xây dựng 268 dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị công cụ chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... cho 30.481 lượt hộ, hỗ trợ thực hiện 25 mô hình phát triển xuất xuất cho 355 hộ được hỗ trợ; thực hiện duy tu bảo dưỡng 150 công trình; vê đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ và cộng đồng: tổ chức 05 đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình 135, các chính sách dân tộc và mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả tại tỉnh bạn; tổ chức 65 lớp tập huấn với 5.226 học viên tham gia tập huấn về công tác dân tộc, tôn giáo, chính sách dân tộc, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công tác lập kế hoạch, nghiệp vụ tài chính kế toán, nghiệp vụ giám sát đầu tư ... Kế hoạch năm 2019 là 114.747 triệu đồng; kết quả đã đầu tư xây dựng 122 công trình (giao thông 87CT; thủy lợi 09CT; điện 01CT; văn hóa 13CT; giáo dục 09CT; nước sinh hoạt 01CT; khác 02CT); thực hiện duy tu, sửa chữa 85 công trình; về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở và cộng đồng: đã tổ chức tập huấn cho 10 lớp cộng đồng và 01 lớp cán bộ cơ sở theo kế hoạch phê duyệt; thực hiện 94 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và 17 mô hình giảm nghèo. Từ năm 2016-2019, có khoảng 150 công trình cơ sở hạ tầng chiếm 30,6% được lồng ghép các nguồn vốn như vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn kiên cố hóa trường lớp học, vốn ngân sách huyện ... thực hiện trên địa bàn các xã, thôn bản hưởng Chương trình 135.
Có thể nói, Chương trình 135 đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, ATK; tình hình kinh tế- xã hội của các xã, thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình đã có những chuyển biến rõ rệt, cơ sở hạ tầng tại các xã đã được cải tạo và nâng cấp đáng kể. Các công trình phục vụ thiết yếu cho đời sống của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các xã như: giao thông, thuỷ lợi, trường học, nước sinh hoạt...đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn các xã đặc biệt khó khăn cũng như cải thiện rõ nét cuộc sống của người dân sống trên địa bàn các xã được đầu tư Chương trình 135.
Để triển khai thực hiện Chương trình 135 trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chính phủ kịp thời ban hành tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2021-2025 để địa phương rà soát xác định; về cơ chế đầu tư: đề nghị Chính phủ có quy định thống nhất với quy định chung trong đầu tư xây dựng, tránh tình trạng cùng cấp xã làm chủ đầu tư nhưng mỗi chương trình, mỗi nguồn vốn lại yêu cầu cơ chế thực hiện, cơ chế tài chính, mức đối ứng đóng góp của nhân dân, thủ tục khác nhau ... Có quy định, hướng dẫn cụ thể từ trung ương về việc lồng ghép các nguồn vốn cùng thực hiện trên địa bàn xã, hồ sơ thủ tục thanh quyết toán.