Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước còn 1.797.889 hộ nghèo (7,8%), giảm 1,8% so với năm 2012. Tổng số hộ cận nghèo là 1.443.183 hộ (6,32%), giảm 0,25% so với năm 2012.

Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện tại 63/63 tỉnh thành của cả nước, phân theo 8 vùng là: Miền núi Đông Bắc, miền núi Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 25,86%, tiếp đến là vùng miền núi Đông Bắc với 14,81%; Tây Nguyên 12,56%; Bắc Trung Bộ 12,22%; Duyên hải miền Trung 10,15%; Đồng Bằng sông Cửu Long 7,41%; Đồng bằng sông Hồng 3,63%; Đông Nam Bộ 0,95%.

8 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp hoặc không còn hộ nghèo là: Thành phố Hồ Chí Minh (0%), Bình Dương (0%), Đồng Nai (0,66%), Thành phố Đà Nẵng (0,77%), Bà Rịa – Vũng Tàu (0,95%), Hà Nội (1,01%), Tây Ninh (1,67%), Quảng Ninh (2,42%).

Tuy nhiên, một số tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao như: Điện Biên (35,22%), Lai Châu (27,22%), Sơn La (27,01%), Hà Giang (26,95%), Yên Bái (25,38%), Cao Bằng (24,2%)...

Về số hộ cận nghèo, vùng có tỷ lệ hộ cận nghèo cao nhất là miền núi Tây Bắc (12,92%), tiếp đến là Bắc Trung Bộ (12,06%). Vùng có tỷ lệ hộ cận nghèo thấp nhất là Đông Nam Bộ 1,05%.

Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2013 tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP cho thấy còn có những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 60% như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái); Kỳ Sơn (Nghệ An); Nam Trà My (Quảng Nam), Tây Trà (Quảng Ngãi)...

Việc rà soát số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc năm 2013 là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác năm 2014.

Giai đoạn 2005-2012, tổng số vốn huy động cho giảm nghèo là 864.050 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước (đầu tư gián tiếp hoặc trực tiếp) chiếm tới hơn 40%, còn lại là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn huy động từ doanh nghiệp và xã hội.

Nguồn tiền trên được sử dụng trong mọi lĩnh vực đời sống để hỗ trợ người nghèo, bao gồm: Chính sách khám chữa bệnh, hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục-đào tạo; hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện và tín dụng ưu đãi.

Ngoài ra, Nhà nước đã có chính sách đặc thù áp dụng cho hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn miền núi.

Vân Trang
(Nguồn: chinhphu.vn)
 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành