Vượt qua chặng đường khá gian nan, chúng tôi đã tới Bản Lù đúng vào lúc tiết trời lạnh giá. Trong không gian sương mù bao phủ, Bản Lù hiện ra thấp thoáng với những mái nhà gỗ đơn sơ bên triền núi. Thôn có 79 nóc nhà, 100% số hộ đều là dân tộc Dao và sống khá tập trung. Nằm ở địa thế tương đối cao nên bước vào mùa đông, nơi đây nhiệt độ thường rất thấp, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chỉ có sương mù bao phủ, ít khi có nắng. Những đặc điểm này phần nhiều đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bà con. Việc canh tác ngô, lúa chỉ có thể tập trung vào vụ mùa, còn vụ xuân ít làm vì nhiệt độ thấp. Bù lại điều kiện ở Bản Lù lại rất phù hợp để phát triển cây dong riềng và cây gừng. Ngoài những diện tích cấy lúa nước thì đất rẫy, đất rừng đang dần được người dân tận dụng để trồng hai loại cây trồng này.
Theo chị Lý Thị Nhàng, Trưởng thôn Bản Lù cho hay: “Chỉ trong vòng 2 năm, cây dong riềng và cây gừng đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo. Cả thôn hiện chỉ còn 20 hộ nghèo”. Trước đây, cây dong riềng đã được trồng ở Bản Lù từ lâu, nhưng giá cả thấp, tiêu thụ khó khăn nên người dân chưa thực sự mặn mà. Trong 2 năm gần đây, được Nhà nước quan tâm, việc tiêu thụ củ dong trở nên thuạn lợi nên phong trào trồng dong bắt đầu nở rộ. Đến nay, Bản Lù là một trong những vùng có diện tích dong lớn nhất huyện Chợ Mới với gần 40ha. Chị Phùng Thị Hoa- một người dân trong thôn khoe: “Vụ này, gia đình tôi đã thu về khoảng 15 tấn củ dong, hiện nay trên rẫy vẫn còn tới 17 tấn. Dự kiến vụ dong này, gia đình sẽ thu được trên 50 triệu đồng”.
Đầu ra cho củ dong càng thuận lợi hơn bởi trong thôn hiện đã có 3 cơ sở chế biến tinh bột dong, mỗi cơ sở có công suất chế biến khoảng 200 tấn củ dong/ năm. Bên cạnh cây dong và cây gừng, Bản Lù còn có phong trào chăn nuôi ngựa. Cả thôn hiện có 50 con ngựa. Theo bác Lý Văn Tài- một hộ chăn nuôi ngựa cho biết: “chăn nuôi ngựa rất phù hợp với điều kiện của thôn. Ngựa vừa được người dân dùng để thồ hàng hóa nông sản, vừa là vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Mặt khác nếu không có ngựa thì việc vận chuyển nông sản sẽ vô cùng khó khăn”.
Bên cạnh những thuận lợi, những khó khăn do đường xá, địa hình cũng khiến thôn gặp rất nhiều khó khăn. Trẻ em sau khi học xong tiểu học phải xuống trung tâm xã Tân Sơn để học tiếp cấp II. Song để đến được trường thì phải đi đoạn đường rất dài và khó (vì quốc lộ 3b đang thi công). Con đường tắt duy nhất thì phải đi bộ mất 9 cây số theo khe suối. Chính vì khó khăn về đường xá nên tình trạng bỏ học tại đây thường xuyên xảy ra. Một số trường hợp trẻ bỏ học và đến 15, 16 tuổi đã lập gia đình.
Bà con Bản Lù rất mong muốn được Nhà nước quan tâm, đầu tư cải tạo đường giao thông; tăng cường đưa các lớp tập huấn về với người dân, giúp tăng năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi. Cùng với đó, các cấp, ngành cần tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhận thức cho bà con về vấn đề giáo dục, dân số... để góp phần đưa cuộc sống ở Bản Lù ngày một đi lên./.
( Theo baobackan.org.vn)
[TT: LPM]