Khi tiềm năng và thế mạnh được phát huy

Là 1 trong 4 địa bàn trọng điểm của tỉnh, Bảo Lâm hội tụ đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Xuất phát điểm từ một huyện nghèo, 20 năm qua, nhờ phát huy được tiềm năng và thế mạnh, kinh tế và xã hội của Bảo Lâm đã có bước phát triển đáng kể.

Phát huy tiềm năng và thế mạnh

Nếu những năm đầu thành lập, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp, thì từ những năm 2000, Bảo Lâm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế sang công nghiệp. Thế mạnh về công nghiệp khai khoáng được đặt lên vị trí ưu tiên, chính vì nơi đây có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào (chiếm 10% tài nguyên khoáng sản của vùng Đông Nam Bộ). Trong đó, nguồn tài nguyên bauxit chiếm tỷ lệ lớn nhất. Theo ông Vương Khả Kim - Chủ tịch UBND huyện: “Chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2013, hiện Nhà máy Alumin (thuộc Tổ hợp Bauxite - Nhôm) đã vận hành đạt hơn 90% công suất. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của huyện đạt gần 3.000 tỷ đồng”. Cùng với công nghiệp khai khoáng, huyện đầu tư và thu hút đầu tư mạnh để phát triển thủy điện, vốn là tiềm năng kinh tế và là thế mạnh của vùng đất Bảo Lâm, đã đem lại doanh thu bình quân trên 4.000 tỷ đồng/năm. Và, như vậy, cuối chặng đường 20 năm, Bảo Lâm đã định hình một hướng đi bền vững dựa trên những tiềm năng và thế mạnh đặc thù của địa phương.

“Tín hiệu” phát triển

Theo Chủ tịch UBND huyện Vương Khả Kim, nhờ xác định đúng tiềm năng, thế mạnh và quyết tâm khai thác nguồn nội lực của địa phương, Bảo Lâm của ngày hôm nay đã rất khác so với hình ảnh một huyện nghèo 20 năm trước. Nếu năm 1994, điện chỉ có ở vùng trung tâm huyện và một số trung tâm xã; đường giao thông đi lại chủ yếu là đường đất; cơ sở vật chất trường học hầu hết là tạm bợ; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 74%... thì 20 năm sau, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm “ngoạn mục” xuống chỉ còn 4%. Hiện nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện đã đạt đến 98%; tổng thu ngân sách Nhà nước (năm 2014) đã đạt đến 385 tỷ đồng (tăng 78 lần); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3,1 triệu đồng (1994) lên 45,2 triệu đồng (2014). Tất cả các xã đều có đủ trường học. Toàn huyện hiện có 69 trường học; trong đó, có 11 trường đạt “chuẩn quốc gia”. Các chương trình mục tiêu 134, 135, 168, 30a đã góp phần ổn định cuộc sống, thay đổi dần tập quán sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là đồng bào DTTS. Văn hóa, xã hội, y tế... có nhiều tiến bộ rõ nét.

Hưởng ứng Chương trình xây dựng Nông thôn mới, huyện kêu gọi nhân dân đồng tình ủng hộ và chung tay xây dựng nông thôn giàu, đẹp. Hiện, đường ô tô đã đến trung tâm 14/14 xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện đã vận động nhân dân cùng góp sức phát triển thêm 9 tuyến đường liên huyện với tổng chiều dài trên 96km và hơn 83km đường liên xã. Qua 4 năm thực hiện, Bảo Lâm đã có 9 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí; 2 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí và 2 xã đạt từ 14 - 19 tiêu chí. Thành quả không thể không nhắc đến trong nông nghiệp là diện tích tái canh cà phê của huyện nay đạt cao nhất tỉnh (15.570ha, chiếm trên 57% diện tích). Sản lượng cà phê (sau tái canh) đạt 67.000 tấn (tăng 12.000 tấn so với năm 2010), năng suất bình quân 1,8 tấn tăng lên 3 tấn/ha; cá biệt có những vườn đạt từ 6 - 7 tấn/ha. Ngoài ra, huyện còn kêu gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng 23 nhà máy chế biến chè chất lượng cao trên địa bàn, hàng năm, sản lượng chế biến chè khô của hệ thống các nhà máy này đạt 23.324 tấn, doanh thu trên 510 tỷ đồng/năm. Một thế mạnh khác của Bảo Lâm, đó là rừng. Với hơn 80.000 ha (hơn 60% diện tích tự nhiên toàn huyện), rừng là nguồn tài nguyên dồi dào và là lợi thế để địa phương phát triển.

Nhờ xác định đúng hướng đi, dựa trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Bảo Lâm đã có sự chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, là bước “đột phá” quan trọng trong phát triển KT - XH của huyện 20 năm qua.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành