Kho bạc nhà nước huyện Nà Hang Quản lý tốt nguồn vốn Chương trình 135
Năm 1999, huyện Nà Hang (Tuyên Quang) được phê duyệt 21 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Uỷ ban nhân dân huyện Nà Hang và các ngành liên quan đã tập trung toàn lực định hướng và xây dựng kế hoạch chương trình hành động thiết thực, sử dụng hiệu quả vốn, qua đó tạo bước đột phá làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội ở các xã nghèo, đặc biệt khó khăn của huyện. Đặc biệt, Kho bạc nhà nước huyện đã tổ chức, quản lý tốt nguồn vốn, giải ngân đúng tiến độ giúp các công trình đạt được hiệu quả cao nhất.
Tổng nguồn vốn Chương trình 135 đầu tư cho 21 xã đặc biệt khó khăn của huyện được phân bổ hơn 117,7 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn I từ năm 1999 đến năm 2005 là 81,24 tỷ, mô hình sản xuất là 6,19 tỷ. Giai đoạn II từ năm 2006 - 2010, chương trình đầu tư cho 14 xã hơn 30,29 tỷ. Để quản lý tốt nguồn vốn Chương trình 135, Kho bạc nhà nước Nà Hang đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện phân khai kế hoạch vốn sớm giao các xã chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình. Cán bộ Kho bạc nhà nước huyện nghiên cứu các văn bản, quyết định, thông tư của các bộ, ngành liên quan, thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy trình, trình tự thủ tục, Luật Ngân sách Nhà nước đã quy định.
Thực hiện chương trình, xã làm chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước huyện đã tận tình hướng dẫn các xã trong việc lập thủ tục kiểm soát và thanh toán vốn kịp thời. Hiệu quả vốn đầu tư được thể hiện qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn, trung tâm cụm xã, dự án đào tạo cán bộ xã... Đã hoàn thành 71 công trình giao thông tổng chiều dài 146,7 km, 62,8 km kênh mương, 31 công trình đập thủy lợi đầu mối, 110 công trình nhà lớp học, nhà bán trú và các công trình phụ trợ với 5.094 m2. Đặc biệt, đã hỗ trợ đầu tư cho nhiều hộ gia đình mua giống cây trồng, vật nuôi, công cụ chế biến nông sản, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng.
Hiện nhiều hộ sau khi nuôi trồng thử nghiệm đã đạt được nhiều kết quả có hiệu quả kinh tế cao, tạo được nhiều vườn cây, chuồng trại, ổn định cuộc sống, có gia đình đã sắm được máy xay xát gạo, máy cày, máy tuốt lúa... Giao thông đi lại thuận tiện, trẻ em được học tập dưới những mái trường khang trang, người nông dân đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, biết đầu tư vốn, giống, cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất lúa đạt 60 tạ/ha. Một số mô hình kinh tế mới như nuôi lợn rừng ở Bản Nhùng, bò sinh sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các nghề truyền thống được duy trì và phát triển như trồng chè đặc sản ở các xã: Sinh Long, Yên Hoa, nghề dệt thổ cẩm ở Thượng Lâm, Thượng Nông...
Chương trình 135 của Chính phủ đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nà Hang; góp phần làm cho đời sống nhân dân từng bước ổn định, tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bước đầu tạo nét khởi sắc cho bộ mặt của nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn này.
Nguyễn Minh