Khuyến nông lên núi: Tạo bước chuyển trong sản xuất của đồng bào

Sau khi công tác khuyến nông ra đời (từ năm 1993 đến nay) nền sản xuất nông lâm nghiệp toàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung và miền núi nói riêng đã tạo ra những thành tựu nổi bật. Đặc biệt là nông dân miền núi, vùng sâu, vùng xa đã tiếp cận được kỹ thuật mới về nông nghiệp, áp dụng vào sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho đồng bào và từng bước đưa nền nông nghiệp miền núi đi lên.

51 mô hình khuyến nông được triển khai thực hiện ở miền núi từ năm 2006 (trong đó Khuyến nông tỉnh triển khai 36 mô hình và Khuyến nông quốc gia 15 mô hình) đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Nổi bật trong lĩnh vực trồng trọt là các mô hình: Cải tiến kỹ thuật canh tác lúa nước, năng suất lúa trong mô hình đạt 45-55 tạ/ha, cao hơn 12-18 tạ/ha so với sản xuất đại trà.

Thâm canh mì giống mới theo hướng bền vững, bằng việc sử dụng giống mì mới (KM140, NA1,...) trồng xen cây họ đậu cho năng suất đạt 32-35 tấn/ha, lợi nhuận trên 43 triệu đồng/ha. Ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, mô hình trồng thâm canh mía, sử dụng giống mía mới và cơ giới hóa trong khâu làm đất mang lại năng suất đạt 70-100 tấn/ha. Đặc biệt, mô hình trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ được triển khai, năng suất đạt 9,53 tấn/ha, lãi gần 155 triệu đồng/ha.

Để phát huy tiềm năng đất rừng, mô hình trồng thâm canh keo lai được triển khai sử dụng keo lai giâm hom, năng suất đạt 20-25m3/ha/năm; tạo thu nhập từ 13-16 triệu đồng/ha/năm. Trồng và chăm sóc cây đặc sản quế, những người làm công tác khuyến nông đã tuyển chọn các giống quế bản địa tại địa phương, trồng thuần ở những vùng đất thích hợp. Sau 9-10 năm trồng, năng suất đạt 5-6 tấn/ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15-30% so với các giống quế du nhập từ các tỉnh phía Bắc.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, công tác khuyến nông tập trung thực hiện mô hình cải tạo đàn bò theo hướng thịt, chăn nuôi bò cái sinh sản bằng giống bò vàng hoặc lai Zê bu F1. Thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn, sử dụng các giống gà thả vườn, nuôi nhốt hoặc bán chăn thả, với các biện pháp phòng bệnh tổng hợp...

Sau khi các mô hình khuyến nông triển khai thực hiện thành công ở miền núi, nhiều mô hình đã được nhân rộng trong địa bàn 6 huyện miền núi để đồng bào áp dụng, tạo chuyển biến trong sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, từng bước đưa nền nông nghiệp miền núi ngày một phát triển.

Thông qua con đường này, năng suất lúa bình quân ở các huyện miền núi qua các năm tăng dần từ 29-30 tạ/ha ở năm 2000 đã tăng lên 40-45 tạ/ha ở năm 2012, có nơi đã tăng lên 55-60 tạ/ha. Các năm gần đây đã chuyển giao mô hình 3 giảm, 3 tăng trong sản xuất lúa chất lượng nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm gạo. Đồng bào 6 huyện miền núi đã sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai và hạt giống lúa kỹ thuật có chất lượng để đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lúa, tạo ra những cánh đồng cho năng suất bình quân trên 60 tạ/ha.

Ngoài việc thực hiện mô hình trình diễn trồng mía rải vụ, người trồng mía còn áp dụng sử dụng giống mới nhằm tăng năng suất, tăng chữ đường để tăng thu nhập. Trong những năm qua, ở miền núi đã sử dụng các giống mía mới như F156 tuyển, ROC 10, ROC 20, My 55-14, C 81967 và gần đây đã sử dụng ROC 22, ROC 27. Nhờ đó, nhiều năm nay cây mía đã phát triển lên đất gò đồi của các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long...

Cùng với công tác cải tạo đàn bò, chăn nuôi lợn, những tiến bộ kỹ thuật về nuôi dưỡng, tạo nguồn thức ăn tinh, thức ăn xanh cũng được triển khai vào sản xuất và đã từng bước nâng cao được chất lượng đàn giá súc ở miền núi. Năng suất thịt được cải thiện rõ, thu nhập của nông hộ từ nuôi bò tăng lên, trở thành nguồn thu nhập chính của đồng bào miền núi. Thông qua công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã thật sự góp phần làm cho mặt trận sản xuất nông lâm ngư nghiệp ở miền núi có nhiều thay đổi theo hướng phát triển tích cực.

Tuy nhiên, do hệ thống khuyến nông ở miền núi chưa được đồng bộ, đặc biệt là tuyến cơ sở chưa có khuyến nông viên; kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông nhìn chung còn thấp so với nhu cầu thực tế nên kết quả của công tác khuyến nông ở miền núi trong thời qua còn có phần hạn chế. Vì thế, trong thời gian tới, các cấp ngành hữu quan cần bố trí tăng nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến nông ở các huyện miền núi, đồng thời thông tin giá cả về thị trường nông sản chủ yếu để góp phần định hướng cho đồng bào miền núi phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao.

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành