Lai Châu: Nhiều giải pháp trong xóa đói giảm nghèo năm 2018

Năm 2017 đã khép lại với nhiều thành tựu trong lĩnh vực kinh tế xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm, đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện… Phát huy những kết quả đạt được, năm 2018 các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Theo thống kê, năm 2017 nguồn vốn toàn tỉnh được giao Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 335.817 triệu đồng để thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo. Đến hết năm 2017 đã giải ngân được 100% kế hoạch giao.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Là cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND tỉnh về lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung vào việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản đôn đốc các huyện, thành phố rà soát, đánh giá kết quả giảm nghèo để làm căn cứ thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; nắm bắt tình hình cơ sở để kịp thời tham mưu giải quyết những khó khăn vướng mắc và có biện pháp điều chỉnh trong quá trình thực hiện…

Đồng thời, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các chính sách như: hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ giáo dục cho con hộ nghèo, hỗ trợ cứu đói giáp hạt, hỗ trợ những hộ nghèo không có khả năng ăn Tết… các chính sách đã góp phàn cải thiện đời sống của các hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa; cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được đầu tư mới, tu sửa kịp thời nhằm phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của Nhân dân.

Theo tổng hợp sơ bộ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của các địa phương đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 30,10%; hộ cận nghèo còn 11,84%. Đây là những tín hiệu tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh, trong đó có sự chỉ đạo đồng bộ quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, đặc biệt là sự nỗ lực của chính những hộ nghèo, người nghèo trong tích cực phát triển kinh tế cải thiện đời sống gia đình… Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của đại đa số các hộ nghèo vẫn còn một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, công tác giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch giao nhưng kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ thoát nghèo đa số lại rơi vào hộ cận nghèo nên nguy cơ tái nghèo cao…

Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao với các chỉ tiêu hàng năm giảm từ 3-4% tỷ lệ hộ nghèo, tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp. Trong đó, chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo. Tiếp tục quán triệt sâu sắc đến các cấp, các ngành về Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác giảm nghèo. Chính quyền địa phương cần bám sát cơ sở theo dõi, phân loại, xác định nguyên nhân nghèo để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác giảm nghèo. Trên quan điểm thiếu vốn, thiếu công cụ sản suất sẽ được hỗ trợ, mỗi hộ nghèo, người nghèo phải tích cực học tập, tìm việc làm, nỗ lực phấn đấu để thoát nghèo… Đẩy mạnh việc phân cấp tổ chức thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo cho cấp xã với phương châm “Tự làm, tự chịu trách nhiệm” nhất là các chính sách về hỗ trợ sản xuất, duy tu bảo dưỡng các công trình phục vụ sản xuất…

Tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, tập trung tại các xã có đồng bào dân tộc khó khăn sinh sống như Mảng, La Hủ với mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, trình độ sản xuất cho người dân, xóa bỏ tập tục canh tác, sản xuất lạc hậu. Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tạo cơ hội cho người nghèo được tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ xã hội nhất là các chính sách về tín dụng ưu đãi, chính sách miễn giảm học phí, chính sách cho đồng bảo dân tộc thiểu số… Thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin truyền thông… ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được tốt hơn.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để người dân thoát nghèo nhanh và bền vững. Đa dạng hóa các nguồn vốn, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, huy động các nguồn vốn từ ngân sách địa phương, sự đóng góp của các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với Chương trình giảm nghèo để tăng hiệu quả đầu tư, ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tăng cường, nâng cao chất lượng cong tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xứ lý nghiêm các tổ chức, các nhân có hành vi vi phạm chính sách…

Tin rằng với sự nỗ lực của người dân và các giải pháp đề ra trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ta sẽ ngày càng giảm, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.

laichau.gov.vn

 In bài viết

Các tin khác

Văn bản điều hành